Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Bệnh nhân hết tiền, bác sĩ đuổi về


TT - Không có chức năng lưu bệnh, điều trị và mổ nhưng bác sĩ này đã bất chấp để mổ cho một bệnh nhân 67 tuổi. Dù bệnh của bà chưa khỏi và được hàng xóm năn nỉ nhưng bà đã bị bác sĩ đuổi về vì hết tiền.
Bà Mai nằm điều trị tại khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: QUỐC NGỌC
Gửi thư đến báo Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Mỹ Liên - thành viên ban thanh tra nhân dân Ủy ban Mặt trận Tổ quốc P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - và người dân tại đây hết sức bất bình về thái độ làm việc của bác sĩ Lê Quốc Việt trong quá trình khám và điều trị cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 67 tuổi, một người dân tạm trú tại phường. Ông Việt là bác sĩ chuyên khoa ngoại lồng ngực, công tác tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM.
Hai lần đuổi bệnh nhân
Theo bà Liên, bà Mai không gia đình, không người thân, mưu sinh tại P.Phạm Ngũ Lão đã hơn 12 năm nay. Vào tháng 8-2011, bà đến khám bệnh tại phòng mạch nội khoa tổng quát của bác sĩ Việt tại địa chỉ 142 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM. Sau vài lần khám, uống thuốc và làm các chỉ định xét nghiệm, đến ngày 28-8, bác sĩ Việt tiến hành mổ cho bà Mai ngay tại phòng mạch nói trên với chẩn đoán sa trực tràng, sa sinh dục. Chi phí bà Mai đã đóng cho bác sĩ Việt là 7,2 triệu đồng từ tiền dành dụm sau nhiều năm vất vả làm lụng.
Sau ca mổ trực tràng, bà Mai được nằm lại phòng mạch để theo dõi. Tuy nhiên, sức khỏe bà diễn biến rất xấu vì vết thương hậu môn không lành, xuất huyết liên tục. Ngày 1-9, bác sĩ Việt yêu cầu bà Mai ra khỏi phòng mạch với lý do phòng mạch... nghỉ lễ Quốc khánh. Trở lại nơi làm việc trước đó là quán ăn 275, đến ngày 4-9, bà Mai có triệu chứng nhiễm trùng hậu môn, thân nhiệt cao, không thể ăn uống gì được và trong túi cũng không còn một xu. Nhân viên trong quán phải đưa bà Mai trở lại phòng mạch và gom góp được 6,8 triệu đồng để đóng thêm cho bác sĩ Việt.
Tối 6-9, bác sĩ Việt cho người dùng xe gắn máy đưa bà Mai về bỏ trước cửa quán 275 trong tình trạng đang sốt cao, mệt vì chảy máu nhiều ở vết mổ. Người này còn lớn tiếng la mắng bà vì đã thiếu tiền phòng mạch. Thấy thế, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (61 tuổi) - mẹ của chủ quán 275 - cùng một số người dân đón taxi đưa bà Mai trở lại phòng mạch và van nài bác sĩ Việt cứu người nhưng bác sĩ Việt cương quyết từ chối. Mọi người phải lập tức đưa bà Mai vào cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn (TP.HCM).
Lá lành đùm lá rách
Hiện nay chi phí điều trị cho bà Mai trong thời gian nằm tại Bệnh viện Sài Gòn đã hơn 27 triệu đồng. Tất cả đều do các nhà hảo tâm và cán bộ, nhân viên P.Phạm Ngũ Lão đóng góp. Suốt thời gian từ đó đến nay, bác sĩ Việt không hề đến bệnh viện thăm hỏi hay có sự hợp tác điều trị, khắc phục hậu quả cho bà Mai.
Bác sĩ Phan Văn Thảo - trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Sài Gòn - cho biết bà Mai nhập viện trong tình trạng nguy kịch, viêm phúc mạc nặng, có dịch mủ trong ổ bụng do hoại tử trực tràng, nhiễm trùng, nhiễm độc... “Chúng tôi đã lập tức tiến hành làm hậu môn tạm, rửa sạch ổ bụng để cứu sống bệnh nhân” - bác sĩ Thảo nói. Sau hai tháng điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn, hiện sức khỏe bà Mai đã ổn định nhưng vẫn phải dùng hậu môn tạm.
Theo bác sĩ Thảo, phải chờ thêm khoảng hai tháng nữa cho bệnh nhân lấy lại sức mới có thể đóng hậu môn tạm.
Hành nghề vượt phạm vi cho phép
Bác sĩ Vũ Anh Sơn - trưởng Phòng y tế Q.10 - cho biết qua đơn thư người dân bức xúc về phòng mạch của bác sĩ Lê Quốc Việt, Sở Y tế TP.HCM và UBND Q.10 đã chỉ đạo Phòng y tế quận tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở này tại địa chỉ 142 Nguyễn Chí Thanh. Phòng mạch xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, giấy phép hành nghề, danh sách nhân sự, sổ khám bệnh, ghi nhận bệnh. “Tại thời điểm kiểm tra, phòng mạch đang hoạt động bình thường. Nhưng chỉ có khám chứ không điều trị, không lưu bệnh nhân và không mổ” - bác sĩ Sơn nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Việt thừa nhận với đoàn thanh tra, kiểm tra là có khám, điều trị “xử lý và săn sóc vết thương” cho bà Mai với chẩn đoán hoại tử hậu môn và sa tử cung. Khi đoàn yêu cầu bác sĩ Việt cho xem phần nhà riêng ở lầu một thì phát hiện có một phòng lưu bệnh và một phòng kho với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để có thể thực hiện tiểu phẫu. Đến đây, bác sĩ Việt phải thừa nhận đã cho bà Mai nằm điều trị “nội trú” tại đây.
Phòng y tế Q.10 đã lập biên bản với nội dung đủ yếu tố khẳng định bác sĩ Việt hành nghề vượt quá phạm vi chức năng cho phép. Việc lưu bệnh như vậy là sai quy chế. Phòng y tế quận đã chuyển biên bản thanh tra, kiểm tra và văn bản báo cáo với nội dung trên đến thanh tra Sở Y tế để có hướng xử lý. Ngày 21-12, thanh tra Sở Y tế cho biết đã thụ lý hồ sơ vụ việc trên và sẽ xử lý trong thời gian sớm nhất.
QUỐC NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét