Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Thương lái Trung Cộng lùng mua cây ngâu giá "chát"


Chưa ai biết đích xác thương lái, trong đó có cả người Trung Quốc, mua cây hoa ngâu để làm gì, nhưng với giá vài triệu đồng một cây, nhiều người dân ở Phù Mỹ (Bình Định), đã quyết định bán đi “cây trời cho”.

Thủ phủ hoa ngâu
 

Ở Bình Định nói riêng và cả nước ta nói chung, không ở đâu, cây hoa ngâu lại mọc nhiều như ở thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ). Trong các xóm Tân Vinh, Tân Hưng, Tân Xuân (thôn Diêm Tiêu), gần như nhà nào cũng có cây ngâu. Nhà ít thì vài chục cây, nhà nhiều có đến vài trăm cây. Ngâu mọc từ trong vườn nhà ra tới ngoài ngõ, lan tỏa ra khắp thôn cùng ngõ xóm.
 

Ở "thủ phủ hoa ngâu", ngâu mọc đầy từ trong nhà ra ngoài ngõ
 .

Trước đây, chủ yếu ngâu mọc tự nhiên, nhưng về sau, thấy có giá trị kinh tế nên nhiều người dân cũng tìm bứng cây ngâu mọc tự nhiên về trồng, thậm chí, họ còn chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả để trồng ngâu. Các hộ dân vùng kinh tế mới ở quanh bờ hồ Diêm Tiêu nhà nào cũng có rẫy hoa ngâu từ hàng trăm đến hàng ngàn cây.

Cây ngâu chia làm hai loại. Cây lá hơi vàng, mỏng, ra hoa sai gọi là ngâu cái; cây có lá xanh cứng, ra hoa dai sau đó đậu quả gọi là ngâu đực. Do cây đực không có hiệu quả kinh tế nên bị chặt bỏ nhường chỗ cho cây cái. Hàng năm, cây ngâu ra hoa hai mùa, mùa chính vào tháng 4, mùa phụ vào tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, nếu thời tiết thuận lợi thì ngâu cũng ra hoa vào các thời điểm khác, nhưng hoa ra không sai, người dân gọi là trái vụ.
 

Tuy giá trị kinh tế mang lại không cao lắm nhưng người dân coi hoa ngâu là "của trời cho". 


Khi ngâu nở, cả cây rực một màu vàng dịu, hương thơm lan tỏa khắp nơi. Trong văn hóa người Việt, ngâu là 1 trong 3 loài (sen, lài, ngâu) gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương. Hoa ngâu tuy nhỏ hương thơm dịu nhẹ nhưng rất lâu phai, khi ướp trà, nó tạo nên hương vị đậm đà, thuần khiết tự nhiên.

Mấy năm trở lại đây, hoa ngâu đều duy trì mức giá 50.000-60.000 đồng/kg ngâu khô. Riêng năm nay, phần vì ngâu mất mùa, phần vì Trung Quốc “hít hàng” nên có thời điểm thương lái lùng mua hoa ngâu với giá lên đến 80.000 đồng/kg. Trừ một vài người trồng ngâu thương phẩm, trồng đại trà, còn những người trồng ngâu theo dạng “cây trời cho” (mọc cây nào giữ cây đó) thì hàng năm, nguồn lợi từ cây ngâu mang lại không lớn. Tuy nhiên, được cái đây là loài cây mọc tự nhiên, không phải chăm bón, tưới tắm gì nên thành quả nó mang lại giống như là “của trời cho”, cũng đủ để “mua mắm, mua muối” trong gia đình.
 

Xôn xao vì thương lái lùng mua cây ngâu
 

Mùa hoa ngâu năm nay vừa khép lại, cây ngâu vừa được “nghỉ ngơi”, đâm chồi, thay lá thì bỗng nhiên bị “đánh thức” bởi những đoàn người lùng sục, vạch gốc, xem cành. “Đánh hơi” được thủ phủ hoa ngâu chính là đây nên thương lái khắp nơi rủ nhau đổ về tranh nhau mua cây hoa ngâu.
 

Thương lái đổ về và hàng ngàn cây ngâu chuẩn bị "cắt khẩu". 


Cách đây chừng một tháng, người đầu tiên tìm đến thôn Diêm Tiêu để mua cây hoa ngâu là một thương lái người Trung Quốc. Người này không hề cho biết mình mua cây ngâu về để làm gì nhưng hễ cây nào cao ráo, xum xuê thì hỏi mua với giá 3,5 triệu đồng một cây. Tuy nhiên, cây được chọn lựa hết sức kỹ lưỡng, sau đó để cả cành lá sum xuê, đào bầu đất rất rộng, nên chuyến này, thương lái Trung Quốc chỉ mua được 4 cây là chất đầy một chiếc xe tải lớn.

Ông Ba Sang (66 tuổi, ở xóm Tân Vinh), người bán ngâu đợt đầu tiên này, cho biết, họ đào bầu đất quá rộng, bứng cây đi để lại những cái hố như hố bom nên sau đó, tôi cũng như bà con ở đây không bán cho người này nữa vì tiền bán cây không đủ thuê người chở đất lấp hố.
 

Sau khi thỏa thuận mua bán xong, cây ngâu được cắt tỉa và đánh dấu để thông báo "cây đã có chủ"
 .

Sau chuyến mua đầu tiên của thương lái Trung Quốc, hàng chục nhóm người khắp trong Nam ngoài Bắc lũ lượt đổ về “thủ phủ hoa ngâu” để lùng sục mua cây.

“Ở cái xứ ngâu này, hồi giờ chỉ thấy người ta tranh nhau mua hoa ngâu chứ mua cây ngâu thì đây là lần đầu tiên”, ông Sang nói.
 

Thấy được giá nên ông Sang cũng chọn gần 20 cây trong vườn nhà để bán với giá 2-3 triệu/cây, thu về hơn 60 triệu đồng.
 

“Đây là những cây ngâu bị rậm bóng hay già cỗi, năng suất thấp, nếu không bán đi thì một hai năm nữa nó cũng chết”, ông Sang tiết lộ.
 

Còn cụ hai Tổng thì giải thích mình đã già rồi, đến mùa ngâu phải mướn người giũ bông rồi phải chia đôi thành quả thấy cũng không được bao nhiêu nên quyết định được cây nào thì bán cây nấy kiếm chút tiền dưỡng già.
 

Trong thương vụ bất ngờ này, có lẽ vớ bở nhất là một số gia đình trồng ngâu ở vùng bờ hồ Diêm Tiêu. Do là cây ngâu trồng, nên sau khoảng 20 năm khai thác, cây trở nên già cỗi, năng suất thấp, nhiều người đang định hết mùa sẽ chặt bỏ làm củi để nhường chỗ cho những cây ngâu nhỏ vượt lên thì người ta lại ầm ầm kéo đến hỏi mua. Từ những cây ngâu “thoát án tử” này, bỗng dưng họ bỏ túi hàng trăm triệu đồng ngon ơ.
 

Cây ngâu được đào xung quanh để lấy bầu đất rồi bó lại cẩn thận để chuẩn bị... chuyển khẩu. 


Chị H., một người ở thôn Diêm Tiêu được một nhóm thương lái phía bắc thuê dẫn đường đến những nơi có nhiều ngâu để lùng mua cho biết, trong lúc nói chuyện, họ có nói rằng mua ngâu về để trồng trong sân golf. Những cây đẹp họ sẽ xuất bán sang Trung Quốc, nhưng bên Trung Quốc họ mua để làm gì thì không ai nói.

Cũng theo chị H., hiện giờ, việc mua cây ngâu đã lan sang một số địa phương khác của huyện Phù Mỹ, như: Thị trấn Bình Dương, xã Mỹ Phong, Mỹ Lộc… Họ chọn lựa rất kỹ, cây nào cao ráo thì mua, còn cây có dáng thấp thì dù có năn nỉ bán giá rẻ cũng không mua. Chọn được cây nào, họ dùng bình sơn xịt vào thân cây để làm dấu rồi thuê người cắt tỉa cành gọn gàng, sau đó đào quanh gốc cây lấy bầu đất, vào thuốc bảo vệ thực vật rồi dùng bao tải và lưới B40 bọc lại để qua Tết sẽ chuyển đi.
 

Mù mờ mục đích mua cây ngâu
 

Hiện nay, do có nhiều tốp người khác nhau đổ về huyện Phù Mỹ để mua cây ngâu nên có sự cạnh tranh về giá tương đối quyết liệt. Có trường hợp tốp này đến đặt cọc xong lại bị tốp kia gác giá giục người dân “lật kèo” để nẫng tay trên.
 

Tuy nhiên, với người dân thì ai thanh toán tiền bạc sòng phẳng thì họ bán. Theo họ, hễ cây nào ưng ý và đã thõa thuận xong với chủ cây thì họ viết giấy mua bán rồi đưa trước 80% giá trị, 20% còn lại sẽ đưa đủ khi nào chính thức chuyển cây đi.
 

Với giấy mua bán này, người bán cây sẽ nhận được 80% giá trị cây, 20% còn lại nhận nốt khi chuyển cây đi. 

“Tính ra, để một cây ngâu “đi đến nơi về đến chốn”, thương lái phải bỏ ra hơn chục triệu đồng từ mua cây đến tiền thuê người cắt tỉa cành, đào bầu đất, vô thuốc, tiền vận chuyển… Thế nhưng, không phải cây nào đem về cũng trồng sống đâu. Với chi phí lớn như vậy, nhưng không biết họ mua về để làm gì mà tranh nhau mua như thế”, một người dân thắc mắc.

“Chắc chắn là không phải họ mua về trồng lấy hoa vì nếu thế họ sẽ tìm đến chọn mua lúc mùa hoa đang rộ. Nếu họ mua về để chơi cây cảnh thì họ phải chọn những cây già cỗi, có gốc xù xì, to lớn, chứ đây hễ cây nào cao ráo, có dáng dấp chút đỉnh là họ mua liền”, ông ba Hòa (ở xóm Tân Hưng), cho biết.
 

Với kiểu mua bán "tận gốc" như thế này, liệu "thủ phủ hoa ngâu" có còn ngâu?
 

Ông Nguyễn Ngọc Tiên, trưởng thôn Diêm Tiêu, cho biết, thấy người ta đổ về mua ngâu, chúng tôi cũng hỏi thăm thì họ nói mua để bán sang Trung Quốc. “Ở đây, ngâu mọc nhiều, chen chúc dày đặc nên khi có người hỏi mua được giá, nhiều người đã háo hức bán vừa để chỉnh trang lại hàng lối, vừa kiếm thêm thu nhập”, ông Tiên chia sẻ.

Còn Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ thì cho hay, do là cây trồng trong vườn nhà nên người dân có quyền mua bán. Khi vận chuyển đi nơi khác thì phải xin giấy xác nhận cây có nguồn gốc hợp pháp tại chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn. Khi họ đến làm việc, người thì nói rằng, mua cây ngâu về để trồng lấy bóng mát; người lại nói mua về để chơi cây cảnh; người lại bảo mua để trồng ở dải phân cách các tuyến đường.
 

Vậy là cho đến lúc này, khi có đến hàng ngàn cây hoa ngâu đang “cắt khẩu”, thì cả người dân và ngành chức năng địa phương vẫn chưa biết chính xác là sẽ “nhập khẩu” ở đâu và để làm gì. Người dân bán cây thì có cái lý của họ, nhưng với kiểu mua bán “tận gốc” như thế này, mai này liệu “thủ phủ hoa ngâu” có còn ngâu?
 
(Theo VTC News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét