Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Chuyện cười ra nước mắt ở chốn pháp đình XHCN


Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm một vụ đánh ghen gây chết người ở một tỉnh miền Trung, vì cảm thông với nỗi khổ tâm và những bức xúc của bị cáo khi gặp phải cô vợ lăng loàn, những người tham dự phiên tòa đã đồng loạt vỗ tay hoan hô lời bào chữa của luật sư - người được chỉ định bào chữa cho bị cáo. Thấy vậy, vị chủ tọa phiên tòa liền quát: “Vụ án này có người chết, kẻ đi tù. Vui sướng gì mà bà con vỗ tay?”. Không chịu lép ông chủ tọa, nhiều người quát lại giữa tòa: “Luật sư nói đúng thì chúng tôi hoan hô, mắc gì không cho?”.


Còn ở một phiên tòa phúc thẩm khác, do sau phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã kháng cáo và một mực kêu oan nên vị đại diện Viện kiểm sát đã nảy ra “sáng kiến” nhờ luật sư thuyết phục bị cáo nhận tội: “Luật sư thuyết phục bị cáo nhận tội cho rồi, cãi làm gì nữa, mất thời gian”, khiến ai nấy đều chưng hửng.

Trong các vụ xét xử thanh thiếu niên phạm tội, nhiều vị trong HĐXX thường có thói quen thẩm vấn bị cáo như... đang dạy bảo con cháu trong nhà, làm mất đi tính tôn nghiêm ở chốn công đường. Chẳng hạn trong vụ xét xử một thiếu niên bị rủ rê tham gia cướp giật tại một tỉnh nọ, vị Hội thẩm nhân dân sau một hồi giảng giải về đạo đức đã “đau xót” nói: “Bị cáo thấy mình dại chưa? Biết mình ngu chưa? Đáng đời chưa? Mới tí tuổi đầu sẽ phải đi tù?”. Bị cáo cúi đầu lí nhí: “Dạ, con biết mình ngu rồi, đáng đời rồi!”. Nghe vậy, một vị khác trong HĐXX liền nạt: “Hừm! Biết vậy mà sao còn đi cướp giật?”. Bị hỏi theo kiểu đèn cù, bị cáo... á khẩu, đứng như trời trồng trước vành móng ngựa, không nói thêm được câu nào.
"Thuật lại chuyện bị hiếp dâm tập thể cho tòa nghe coi..."

Tuy chưa tròn 16 tuổi nhưng cô bé D., trú tại một tỉnh miền Trung, trông đã như một thiếu nữ. D. bị bệnh tâm thần, chậm phát triển trí tuệ nên trở thành đối tượng cho những gã thanh niên lợi dụng làm chuyện xấu. Sau một vài lần gặp gỡ, một thanh niên tên H. trú cùng địa phương đã gạ gẫm rủ D. đi chơi khuya. Lợi dụng sự hạn chế về nhận thức của D., H. đã đòi D. cho quan hệ sinh lý và hắn đã nhiều lần làm chuyện đồi bại với cô bé đáng thương này với lời trấn an: “Không sao đâu. Em cứ yên trí, anh đã uống thuốc... ngừa thai rồi”.

Ăn quen bén mùi, sau đó H. lại gạ gẫm rủ D. đi chơi rồi “bàn giao” cho lũ bạn cùng thực hiện hành vi đồi bại. Tòa đưa vụ án này ra xét xử. Khi thẩm vấn, một thành viên HĐXX hỏi: “Nạn nhân còn nhỏ tuổi mà đã thích chuyện nam nữ, nên mới bị kẻ xấu lợi dụng, không biết xấu hổ à?”. Nghe vậy, nạn nhân cũng thiệt thà đáp lại: “Dạ, con thích chuyện đó mà!”. May mà vụ này xử kín.

Cũng là một vụ án hiếp dâm nhưng được TAND một tỉnh miền núi đem ra xét xử công khai. Người bị hại là chị Y. Trong phần thẩm vấn, tòa hỏi chị Y: “Chị thuật lại đã bị nhóm thanh niên hiếp dâm tập thể như thế nào cho tòa nghe coi?”.

Sau một hồi lúng túng vì xấu hổ nhưng được tòa “động viên, khuyến khích”, với bản tính thật thà, chất phác của người miền núi, chị Y. bắt đầu kể lại chi tiết vụ việc theo kiểu có sao nói vậy. Đại ý hôm đó làng có tổ chức lễ hội, rượu thịt “bát ngát”. Cả làng uống rượu miết đến tận khuya. “Biết cái bụng mình buồn vì thằng chồng mình chết từ lâu rồi, nên thằng T. rủ mình làm chuyện đó. Mình đồng ý. Thằng T. lại nói: Cho tui rủ thêm mấy đứa trong buôn nữa nghen? Mình cũng đồng ý. Rồi cả bọn rời cuộc uống rượu ra bãi cỏ phía sau nhà rông của buôn để thay nhau làm chuyện đó”, chị Y. thật thà kể lại.

Rồi cứ thế, bị hại hồn nhiên kể lại từng chi tiết làm “chuyện đó” với từng bị cáo... Trong khi khá nhiều vị trong HĐXX chăm chú lắng nghe thì không ít người dự phiên tòa phải đỏ mặt vì mắc cỡ.

Viện với tòa cãi nhau

Vụ án xét xử bị cáo S. phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản được TAND huyện nọ đưa ra xét xử lần thứ tư sau nhiều lần phải tạm hoãn. Tại phiên xử lần này, do bất đồng quan điểm, giữa đại diện Viện kiểm sát và chủ tọa phiên tòa cứ cãi nhau tay đôi khiến nhiều người tham dự cứ mắt tròn mắt dẹt rồi ôm bụng cười.

Đến phần thẩm tra công khai các bị cáo, bị hại và những nhân chứng tại tòa, nhiều lần thấy vị chủ tọa chủ yếu đi sâu thẩm tra phía bị hại, còn bị cáo thì ít đề cập đến, nên vị đại diện Viện kiểm sát nhiều lần cố ý cắt ngang lời vị chủ tọa. Thế là hai bên tiếp tục phùng má trợn mắt tranh cãi rất hăng, quên rằng mình đang ở giữa công đường.

Chưa hết, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa phạt bị cáo S. từ 12 đến 18 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản; thì do không đồng ý với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát, vị chủ tọa đã tuyên bị cáo vô tội.

Bức xúc trước sự tréo ngoe này, vợ chồng bị hại liền văng tục “Đ. má thằng tòa” cùng những lời lẽ rất khó nghe, rồi rượt đuổi vị chủ tọa đòi đánh, làm náo loạn trụ sở phiên tòa, khiến người dân hiếu kỳ kéo đến xem đông nghịt. Còn vị chủ tọa, trước sự rượt đuổi của vợ chồng bị hại, đành phải chạy vào phòng xét xử đóng kín cửa sắt lại, đợi đến khi trật tự được vãn hồi mới dám bước ra.



Đạp vành móng ngựa, đuổi đánh chủ tọa
Cách đây 2 năm, tại Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, bị cáo Võ Công Hoàng sau khi nghe tuyên án tử hình về các tội giết người và cướp tài sản đã bất ngờ phóng người qua cửa sổ định nhảy lầu tự tử. Do chân bị xích, tay bị còng nên Hoàng được cảnh sát tư pháp áp giải kịp thời bắt lại trong tích tắc.
Tại Khánh Hòa, khi TAND tỉnh xét xử vụ án “Hạnh Nhật”, HĐXX đã phải ôm hồ sơ bỏ chạy vì bị cáo đại náo phiên tòa. Lúc chủ tọa yêu cầu công an dẫn giải các bị cáo về trại tạm giam để HĐXX nghị án, bị cáo Nguyễn Công Hùng ("Hùng Bắc") la lối, đạp vào ghế, phản ứng... vì cho rằng mình bị oan. Tiếp đó, "Hạnh Nhật" cũng đạp bị cáo Nguyễn Duy Thanh ("Cu ghẻ”) vì cho rằng bị cáo này khai oan cho mình, rồi đạp luôn cả vành móng ngựa. Các bị cáo khác cùng một số người nhà đang có mặt tại phòng xét xử lập tức ùa theo làm náo loạn cả tòa án đến nỗi Cảnh sát 113 phải đến can thiệp.
Cuối tháng 3.2010, tại TAND TP Hải Phòng, khi HĐXX mới bắt đầu phần thủ tục, chưa kịp xét hỏi đến hành vi của Phạm Trần Công cùng đồng phạm điều khiển ô tô tốc độ cao rồi dùng súng tấn công tổ tuần tra, thì Nguyễn Hiệp Hưng (bạn Công) đã tháo dép ném về phía HĐXX. Đến lúc đã bị lực lượng chức năng khống chế, đối tượng này vẫn hung hăng đe dọa những người xung quanh. 
Có thể nói không riêng địa phương nào, gần như nhắc đến chuyện bị cáo quậy, không tôn trọng HĐXX thì tòa nào cũng gặp.
“Tôi bị đánh 5 cái vào mặt”
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “mua bán trái phép chất ma túy” theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (41 tuổi, ngụ Thừa Thiên-Huế) và tuyên y án 16 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Nhưng ngay sau khi nghe tuyên án, người nhà bị cáo Tuyên đã đập bàn, la ó, khóc lóc ầm ĩ vì cho rằng Tuyên bị kết tội oan. Khi cánh cửa phòng xử án khép lại thì họ tiếp tục kéo ra hành lang la ó, đập bàn bảo vệ, nằm khóc vạ vật...
Xử án hình sự đã vậy, xử án dân sự còn nhiều chuyện đáng nói hơn. Tháng 5.2008, sau khi TAND Q.9 (TP.HCM) tuyên án một vụ tranh chấp nhà, ngay lập tức bị đơn to tiếng mắng chửi rồi cúi xuống nhặt guốc ném về phía nguyên đơn. Nguyên đơn né được, hoảng hốt tháo chạy ra ngoài, bị đơn tiếp tục đuổi theo hành hung nhưng người dự tòa kịp cản lại...
Ngay tại TAND TP.HCM cũng nhiều lần xảy ra chuyện đương sự la hét, phản ứng bằng cách gọi tên chủ tọa chửi mắng. Cá biệt cũng có trường hợp, nữ đương sự... thoát y ngay giữa sân tòa để phản đối bản án dân sự mà HĐXX vừa tuyên. Người này cứ tồng ngồng như thế mà la hét, khóc lóc cho đến khi công an phường xuất hiện cũng không thể thuyết phục được, đành phải... trùm lên người bà này một tấm áo mưa, hộ tống về phường. 
Tháng 9.2009, trong một phiên xử dân sự tại TAND thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), bị đơn L.V.H đã cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xông vào đánh nguyên đơn, vây hãm chủ tọa. Tuy được lực lượng cảnh sát tư pháp ngăn chặn kịp thời nhưng khi HĐXX trở vào phòng xử án thì hàng chục người lại xông lên tấn công chủ tọa, không cho tuyên án, khiến chủ tọa phải bỏ chạy ra ngoài.
Tháng 4.2009, một luật gia do Trung tâm Thông tin - Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) cử đến hỗ trợ pháp lý miễn phí cho một nguyên đơn trong vụ tranh chấp tài sản chung sau ly hôn đã bị phía bị đơn “choảng” trong một phiên hòa giải. “Tôi bị đánh tất cả năm cái vào mặt và bị chảy máu mũi. Sự việc xảy ra rất nhanh, chỉ trong vài phút nên hoàn toàn không kịp phản ứng gì trước thái độ hung hăng của họ”, vị này nói.
Tương tự, trong một phiên xử tại TAND huyện Chợ Mới (An Giang), luật sư Đ. bị một bị đơn rượt đánh, ném đá. Vị này cũng cho biết trước đó ông từng bị người nhà của đương sự này dọa đánh nên đã gửi văn bản đề nghị TAND huyện Chợ Mới có biện pháp bảo vệ, nhưng cuối cùng vẫn... không thoát.
Tháng 5.2008, trong phiên xử vụ tranh chấp đất, sau khi tòa tuyên y án sơ thẩm, P.T.N nổi khùng, đập bàn chỉ tay về phía HĐXX la lớn: “Không biết xử án”. Chủ tọa liền yêu cầu thư ký gọi bảo vệ. Thư ký vừa bước ra thì bị N. nắm vai đẩy ngã dúi rồi tát vào mặt. Vụ việc này tuy được khởi tố hình sự nhưng hồi đầu năm 2009, tại phiên xử phúc thẩm TAND TP.HCM cũng đã giảm án cho N. từ 10 tháng tù xuống còn 7 tháng 7 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “chống người thi hành công vụ”. 
Tháng 5.2009, TAND huyện Tuy Phước (Bình Định) xử phạt Trần Văn Tùng 15 tháng tù, Trần Thị Cẩm Xuyên 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích và tiêu hủy tài liệu, hồ sơ của cơ quan, tổ chức. Trước đó, trong vụ án ly hôn của cha mẹ anh ta, khi chủ tọa vừa ôm hồ sơ rời khỏi phòng xử, Tùng đã lao vào kẹp cổ, đánh tới tấp làm nạn nhân bị thương. Khi vị chủ tọa bỏ chạy, Xuyên đã nhặt hồ sơ của vụ án xé tan tành.
Nhóm PV CT- XH (Thanh Niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét