SÀI GÒN (NV) -Kết quả cuộc khảo sát vừa được công bố hôm 9 tháng 12 cho thấy, có đến 60% sinh viên tốt nghiệp trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (trường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn cũ) không tìm được việc làm.
Niềm vui tốt nghiệp kéo dài không lâu của sinh viên trong Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn ở Sài Gòn. (Hình: VTC News) |
Theo báo mạng VTC News, 46.5% sinh viên bị thất bại dù đã cất công đi tìm việc ở nhiều nơi. Khoảng 43% cuối cùng đành chọn giải pháp yên ổn nhất là tiếp tục học lên cao, dựa vào sự trợ giúp của gia đình và cố lãng quên việc “phải tự lập.”
Tin cho hay, trong số “đội quân thất nghiệp” này, có đến 27% cho biết không tìm được việc làm vì lỡ chọn ngành học không phù hợp với nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Thân phận của các sinh viên may mắn có được một việc làm cũng không thoải mái gì hơn. 61% số sinh viên này cho biết bị giới chủ chê “thiếu chuyên môn làm việc” trong khi 42% bị liệt vào danh sách những người “thiếu kinh nghiệm” và 32% thiếu kiến thức chuyên môn.
Phúc trình từ cuộc tọa đàm hôm 12 tháng 12 do trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Sài Gòn tổ chức cũng nêu một tỉ lệ “tuyệt đối”: 91% sinh viên cho rằng chương trình giáo dục của nhà trường đại học quá nặng nề lý thuyết.
Cũng theo VTC News, giám đốc công ty tư nhân Hoa Mặt Trời ở Sài Gòn cho rằng gần như tất cả các sinh viên được công ty bà tuyển dụng đều phải được “tái đào tạo” thì họ mới làm việc được.
Bà giám đốc Vũ Thu Hà nói: “Chúng tôi mất quá nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc cho việc đào tạo lại như thế. Vì thế mà chúng tôi, kể cả các công ty bạn không mặn mà với số sinh viên mới ra trường.”
Bà Vũ Thu Hà xác nhận rằng sinh viên mới ra trường, kể cả những người được cấp bằng tốt nghiệp loại giỏi đều “lơ mơ” về công việc sẽ đảm nhận và nhất là kém ngoại ngữ.
Trong khi đó thì phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích của trường đại học này là ông Ðào Thanh Trường lại chủ trương mở các lớp “huấn luyện kỹ năng mềm” cho sinh viên sau khi họ được cấp bằng tốt nghiệp.
Bà Vũ Thu Hà lập tức phản bác lập luận rằng khi cho rằng không thể “đào tạo rồi tái đào tạo một thế hệ sinh viên để giúp họ tìm việc làm.” Bà Thu Hà cho rằng cần phải đưa nội dung đào tạo kỹ năng vào chương trình chính khóa để giúp sinh viên đạt được yêu cầu mong muốn của giới tuyển dụng, mà không làm mất thời gian của cả ba phía.
Dư luận tỏ ra đồng tình với đề nghị của bà Thu Hà khi cho rằng nhà trường cần phải “hoàn thiện sản phẩm” của mình trước khi tung ra thị trường. (PL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét