Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Việt cộng bất ngờ trả Thánh địa La Vang lại cho giáo hội Công giáo


Giáo dân La Vang trong đêm vọng Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
ngày 14 Tháng Tám, 2011. Bên phải là tháp nhà thờ La Vang nguyên thủy.
(Hình: Tổng Giáo Phận Huế)
Trong một hành động được coi là bất ngờ, chính quyền Việt Nam trả lại Thánh Ðịa La Vang ở Quảng Trị cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam giữa lúc hai bên đang có tranh chấp chủ quyền một số tài sản của giáo hội.


La Vang chỉ là một trong ba tài sản Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ưu tiên đòi lại. Chính quyền và giáo hội còn phải làm việc nhiều để giải quyết tranh chấp chủ quyền Tòa Khâm Sứ (Vatican) ở Hà Nội và Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pius X ở Ðà Lạt.


Công điện ngoại giao Hoa Kỳ viết ngày 18 Tháng Tư, 2008, do Ðại Sứ Michael Michalak gởi về Washington, DC, cho biết như vậy, theo tiết lộ của trang web Wikileaks.
 

Thánh Ðịa La Vang 

Bản công điện viết, theo Linh Mục Thomas Nguyễn Xuân Thủy, quản lý Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, chính quyền Việt Nam quyết định trả lại giáo hội miếng đất tranh chấp chủ quyền kéo dài bấy lâu nay ở tỉnh Quảng Trị, sau cuộc họp ngày 20 Tháng Ba giữa Trung Tướng Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công An, và Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, kiêm giám mục Giáo Phận Ðà Lạt. 

Tại cuộc họp này, ngoài Thánh Ðịa La Vang, hai người cũng đánh giá tiến triển liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội. 

Ðại Sứ Michael Michalak mở ngoặc trong bản công điện: “Thánh Ðịa La Vang là một trong ba 'tài sản ưu tiên' mà Giáo Hội Công Giáo (Vatican) chính thức đòi chính quyền Việt Nam trả lại cho Hội Ðồng Giám Mục (Việt Nam). Hai tài sản kia là Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội và Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pius X ở Ðà Lạt.” 

Theo bản công điện, ngày 10 Tháng Tư, chính quyền tỉnh gặp lãnh đạo Tổng Giáo Phận Huế (bao gồm tỉnh Quảng Trị) và thông báo họ sẽ trả 20 mẫu đất (trong tổng số 23 mẫu) cho tổng giáo phận. Miếng đất này trước đây thuộc về giáo xứ “Ðức Mẹ La Vang,” nhưng bị chính quyền tịch thu sau năm 1975. Trong khi một nhà thờ mới được xây để thay thế nhà thờ bị đổ nát vì chiến tranh và một số cư dân xây nhà, phần lớn miếng đất này bị bỏ trống. 

Tại cuộc họp, Giám Mục Nhơn nói với Thứ Trưởng Hưởng là giáo hội sẵn sàng giúp đền bù cho cư dân xây nhà trên phần đất 20 mẫu để giải quyết vấn đề chuyển giao tài sản. 

Bản công điện viết tiếp: “Nguồn tin Công Giáo xác nhận là chính quyền Việt Nam và Vatican cũng đồng ý phần còn lại khoảng 3 mẫu của miếng đất, hiện có nhiều cơ sở chính quyền địa phương, cuối cùng sẽ được trả lại sau này.” 

Tiến trình hoàn trả miếng đất vẫn còn được thảo luận chi tiết giữa giáo hội và chính quyền tỉnh Quảng Trị. Giám Mục Nhơn báo cáo là giáo hội dự định nâng cấp Thánh địa và xây dựng thêm một số tòa nhà, làm cho Trung Tâm Hành Hương Ðức Mẹ La Vang trở thành một địa điểm hành hương quốc gia của tín đồ Công Giáo. Trong khi đó, giới chức giáo hội cũng bày tỏ lo lắng với tùy viên chính trị Tòa Ðại Sứ Mỹ rằng thảo luận với chính quyền tỉnh về số tiền đền bù và những khía cạnh khác có thể tốn thời gian và phức tạp, làm chậm tiến trình chuyển giao quyền sở hữu thực sự. 

Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội 

Theo bản công điện, tranh chấp quyền sở hữu Tòa Khâm Sứ Vatican cũng được nói đến trong buổi họp ngày 20 Tháng Ba. Giám Mục Nhơn nghe nói từ chối đề nghị của Thứ Trưởng Hưởng, theo đó, chính quyền Việt Nam cung cấp cho giáo hội một miếng đất mới để đổi lấy miếng đất có Tòa Khâm Sứ. 

“Các giám mục Việt Nam sẽ không tương nhượng đối với vụ Tòa Khâm Sứ. Họ sẵn sàng đền bù cho những gì được xây dựng trên miếng đất này từ trước tới nay, và chỉ thế thôi,” Ðại Sứ Michael Michalak viết, dẫn lời Linh Mục Nguyễn Xuân Thủy. 

Ông Michalak viết thêm là có nhiều tòa nhà trong miếng đất Tòa Khâm Sứ, bao gồm một nhà hàng đã đóng cửa và một trung tâm sinh hoạt cộng đồng có hồ bơi và phòng nhảy. 

Bản công điện dẫn lời Linh Mục Thủy nói thêm: “Lãnh đạo giáo hội tin rằng chính quyền Việt Nam quyết định trả lại miếng đất ở Quảng Trị là nhằm làm giảm sức ép của vấn đề đòi lại tài sản của giáo hội tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác. Quyết định của chính quyền Việt Nam cũng nhằm gởi một thông điệp đến Vatican là họ mong muốn giải quyết những vấn đề tranh chấp với giáo hội tại Việt Nam, trước chuyến thăm chính thức của một phái đoàn tòa thánh đến Việt Nam vào Tháng Sáu, 2008, để họp song phương với chính quyền Việt Nam.” 

“Tuy nhiên, Linh Mục Thủy thừa nhận là nhiều khả năng phái đoàn Vatican sẽ không nêu lên vấn đề Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đòi lại tài sản với chính quyền Việt Nam trong suốt các cuộc thảo luận,” bản công điện viết. 

Linh Mục Thủy nói thêm là trong những năm qua, giáo hội chưa bao giờ bày tỏ công khai sự bất đồng với chính quyền Việt Nam vì hiểu rằng Việt Nam không muốn những vấn đề này (tranh chấp tài sản) bị chú ý. 

“Tuy nhiên, có vẻ như giáo hội ngày càng mất kiên nhẫn vì chính quyền Việt Nam đáp lại quá chậm,” ông Michalak viết. “Linh Mục Thủy khẳng định, khi công khai những vấn đề chưa giải quyết xong, tòa thánh tin rằng có thể gây áp lực với chính quyền Việt Nam để họ hành động, thay vì họ cứ làm ngơ.” 

Nhận xét của Ðại Sứ Michalak 

Với sự kiện được trả lại Thánh Ðịa La Vang và tham gia đối thoại với chính quyền Việt Nam liên quan đến việc đòi lại Tòa Khâm Sứ, Giáo Hội Công Giáo từng bước tiếp tục giải quyết tranh chấp tài sản tại Việt Nam. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam có vẻ như muốn sự kiện La Vang làm giảm bớt đòi hỏi trả lại tài sản của giáo hội. Tuy nhiên, trong khi giáo hội thành công trong việc đòi lại tài sản và công khai hóa vấn đề, nhiều giáo xứ bắt đầu noi theo và đòi chính quyền Việt Nam trả lại tài sản. Liệu chính quyền Việt Nam có trở lại chính sách “làm ngơ” như cũ hay không là một câu hỏi lớn. Vụ trả Thánh Ðịa La Vang có thể giúp chính quyền Việt Nam làm cho tranh chấp đất đai với giáo hội bớt căng thẳng, nhưng đây là vấn đề mà họ không thể làm ngơ được nữa. Trong khi đó, những vụ đòi tài sản khác của giáo hội vẫn tiếp diễn, ví dụ như biểu tình đòi lại đất của giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, và vẫn chưa giải quyết xong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét