Lần đầu tiên hai bác sĩ phải ra hầu tòa vì liên quan tới việc một bệnh nhân tử vong vì có nhóm máu AB lại được truyền nhầm nhóm máu O.
Ngày 22- 23/11, TAND huyện Thanh Trì đã mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo: Bác sỹ Trần Thị Xuân Dung, SN 1962, trú tại thị trấn Văn Điền, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Trưởng khoa Xét nghiệm của Bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Thị Tường Vân, SN 1957, trú tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là bác sĩ điều trị; Nguyễn Thị Thu Hà, SN 1982, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội là kỹ thuật viên xét nghiệm. Ba người này bị truy tố vì liên quan tới cái chết của một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì trước đó.
Từ phải qua là bác sĩ Dung, Vân và ký thuật viên Hà. |
Phòng xử chật kín, đại diện của Bệnh viện đa khoa Thanh Trì (Bệnh viện), ông Tạ Xuân Sơn, Giám đốc Bệnh viện và các nhân chứng đều có mặt.
Đại diện VKSND huyện Thanh Trì cáo buộc, ngày 19/9/2009, chị Nguyễn Thị Vinh, SN 1957, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, được cấp cứu tại Bệnh viện, trong tình trạng sức khoẻ suy sụp. Hai ngày sau, theo y lệnh của bác sỹ điều trị, ca trực làm các xét nghiệm cho bệnh nhân. Ngày 22/9/2009, chị Nguyễn Thị Thu Hà, SN 1982, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội; kỹ thuật viên - Cty CP Dịch vụ y tế Việt Nam, tiến hành xét nghiệm máu cho chị Vinh.
Đúng quy trình, chị Hà phải xét nghiệm máu theo phương pháp hồng cầu mẫu, nhưng bị cáo chỉ làm xét nghiệm máu 1 lần theo phương pháp huyết thanh mẫu để định nhóm máu của bệnh nhân. Theo đó, chị Vinh có nhóm máu AB (đúng phải là nhóm máu O).
Bác sỹ Trần Thị Xuân Dung, SN 1962, trú tại thị trấn Văn Điền, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Trưởng khoa Xét nghiệm của Bệnh viện, đã ký xác nhận.
Ngày 22/10/2009, bác sỹ Nguyễn Thị Tường Vân, SN 1957, trú tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; người trực tiếp điều trị cho chị Vinh, giao bác sỹ Dung mua 2 bịch máu AB tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Trưa cùng ngày, chị Dung làm thử chéo tại giường mà không định lại nhóm máu tại giường rồi trực tiếp cắm dây truyền máu cho bệnh nhân. Sau khi cắm dây truyền máu, chị Dung đi sang Phòng Hành chính Khoa Hồi sức cấp cứu, mở cửa phòng và nói với chị Vân: “Em truyền xong rồi đấy, chị cho người theo dõi hộ em, em đi ăn cơm đây, có gì thì gọi em về”.
Truyền được khoảng 30 phút thì bị sốc, người bệnh tím tái, rét run. Chị Vinh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và chết sau đó 2 ngày. Viện pháp y quốc gia kết luận, bệnh nhân tử vong do truyền nhầm máu.
Bức xúc trước cái chết oan uổng của vợ, anh Lê Văn Hiệp đã có đơn gửi Công an huyện Thanh Trì. Vì thế, bác sĩ Trần Thị Xuân Dung, Nguyễn Thị Tường Vân, chị Nguyễn Thị Thu Hà bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về chữa bệnh” theo Điều 242 Bộ luật Hình sự.
Bác sĩ kêu oan
Tại tòa, là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Vinh, bác sỹ Vân trình bày, khi lĩnh máu về, chị Dung không bàn giao máu. Theo chị Vân, khi xuống Phòng hành chính của Khoa Hồi sức cấp cứu ăn cơm trưa thì thấy bác sỹ Dung đang đứng cạnh giường của chị Vinh và bệnh nhân đang được truyền máu.
Còn bác sĩ Dung lại phủ nhận cáo buộc của VKSND huyện Thanh Trì. Chị quả quyết, đã bàn giao máu cho bác sỹ Vân. Chị Dung nhận có giúp y tá móc bịch máu lên trên cột chứ không trực tiếp truyền máu cho bệnh nhân.
Về việc nhóm máu bệnh nhân Vinh, bác sĩ Dung trình bày, ngày 22/10/2009, chị có ký xác nhận vào phiếu xét nghiệm định nhóm máu do chị Hà làm. Đây chỉ là thủ tục hành chính và chị không phải chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn. Tại tòa, chị Dung nói rằng, phần ký chỉ là hình thức vì chị là trưởng khoa xét nghiệm nhưng chị chỉ là “bù nhìn” vì khoảng gần 2 năm trước khi xảy ra sự việc, chị đã chẳng được làm đúng chuyên môn, chức trách.
Chị Vinh khẳng định, liên quan tới cái chết của bệnh nhân, chị cũng có lỗi vĩ mình đã đi mua máu. Nhưng việc đi mua máu gì là do kỹ thuật viên xét nghiệm thử và bác sĩ điều trị chỉ định. “Tôi chỉ là người đi mua máu, lỗi ở người xét nghiệm mà ra” – chị Dung cho hay.
Ai chịu trách nhiệm?
Có mặt tại tòa, người là bác sỹ trong ca trực ngày hôm ấy, bác sỹ Hoàng Văn Tú ở Bệnh viện đa khoa Thanh Trì có lời khai mâu thuẫn với bác sỹ Vân. Như lời chị Vân, chị đã bàn giao bệnh nhân Vinh cho anh Tú. Nhưng anh Tú cho hay, chị Vinh là người quen của bác sĩ Vân nên không có lý do gì bác sĩ Vân lại bàn giao bệnh nhân cho anh. Thời điểm ấy, anh mới công tác tại Bệnh viện, là nhân viên hợp đồng ngắn hạn nên chưa đủ uy tín. Hơn nữa, ngày trực, anh có việc gia đình nên đã nhờ (qua điện thoại) bác sĩ Ngọt trực hộ.
Bác sỹ Ngọt thừa nhận có đổi ca trực cho anh Tú. Nhưng bác sĩ Ngọt lại nói rằng, hôm đó mình “bận học” nên không thể đảm đương mọi công việc. Từ lời khai của bác sỹ Tú, Ngọt cho thấy, các bác sỹ đã không bàn giao ca trực buổi trưa qua sổ ghi chép. Về việc này, ông Tạ Xuân Sơn, Giám đốc Bệnh viện khẳng định, chiếu theo quy chế của Bệnh viện thì bàn giao ca trực trong và ngoài giờ hành chính đều phải vào sổ. “Các anh chị làm không đúng nguyên tắc phải chịu, chúng tôi không có tiền lệ, quy định riêng gì cả. Việc bàn giao trực, đổi trực, không cho phép như vậy. Lịch trực được phân đến hết tháng” – ông Sơn nói.
Liên quan đến cái chết của bệnh nhân, ông giám đốc cho biết, Hội đồng khoa học của Bệnh viện xác định, nguyên nhân là do xét nghiệm nhầm nhóm máu. Ông Sơn khẳng định, nếu xét nghiệm nhầm rồi thì có làm đúng các quy trình tiếp theo thì vẫn xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ở vụ án này, người xét nghiệm nhầm máu là chị Hà, kỹ thuật viên - Cty CP Dịch vụ y tế Việt Nam. Luật sư Trần Đình Triển, bào chữa cho bị cáo Dung, thắc mắc: “Một việc quan trọng như vậy lại do người ngoài bệnh viện tiến hành, liệu có tin tưởng được?”. Ông Sơn đáp rằng, Bệnh viện và Cty CP Y tế dịch vụ Việt Nam có ký kết hợp đồng hợp tác. Như đã thỏa thuận, hai bên sẽ đưa nhân sự vào những công việc phù hợp, tại những thời điểm thích hợp và chị Hà là nhân viên chính thức của Cty CP Y tế dịch vụ Việt Nam.
Chị Hà xét nghiệm nhầm nhóm máu, tại sao khi truyền, các bác sỹ kiểm tra lại không phát hiện ra? Vấn đề là phương pháp xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Thanh Trì có vấn đề khi mà chính giám đốc Sơn nói rằng, phương pháp xét nghiệm mà Hà sử dụng là thử 1 lần theo phương pháp huyết thanh mẫu không đúng với quy trình của Bệnh viện. Thế nhưng bác sĩ Dung khẳng định phương pháp đó được tiến hành từ lâu. Về việc này, giám đốc Sơn lại cho rằng, vấn đề đó là ông này không biết, chỉ khi xảy ra sự việc mới biết.
Luật sư Triển cho rằng, vụ việc là một tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Thế nhưng, về trách nhiệm, vụ việc chưa tới mức phải xử lý hình sự. Các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về chữa bệnh” theo Điều 242 Bộ luật Hình sự có phần khiên cưỡng. Luật sư Triển cho rằng, vụ việc chưa tới mức xử lý hình sự. Và nếu quy trách nhiệm, cơ quan chức năng cần làm rõ tất cả những người có liên quan.
Sau 3 ngày, TAND huyện Thanh Trì đã không tuyên án mà trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ra về trong tâm trạng “án vẫn chưa tuyên”, bác sĩ Dung tỏ rõ sự mệt mỏi. Suốt 2 năm ròng, chị phải đối mặt với dư luận, ức chế. Hơn thế, đó là sự dằn vặt trong lòng vì bệnh nhân đã xảy ra việc không ai mong muốn. Chị Dung nói rằng, hơn 20 năm trong nghề, chị chưa để xảy ra sai sót nào. Làm trưởng khoa xét nghiệm nhưng chỉ được chỉ định đi lấy máu, hạn chế các công việc đúng thẩm quyền, chị cũng không nề hà. Vậy mà...
Ngày 2/12, sau khi tòa tuyên trả hồ sơ, chị Dung cho biết mình vẫn đang đi làm bình thường. Chỉ có điều, tâm trạng vẫn không yên. Cách đây 1 tuần, chị cũng đã nhận được công văn về việc “trao trả thực quyền” cho một trưởng khoa xét nghiệm như chị. “Công việc tôi vẫn đi làm như cũ. Có chút thay đổi sau phiên tòa, cảm giác mình được nói cho mọi người biết, khiến lòng bớt ấm ức hơn. Nhưng tôi mong vụ việc sớm kết thúc để cho rõ trắng đen. Tôi thậm chí mất lòng tin, không cho con gái thi trường Y như mong muốn của cháu. Nghề này, sinh nghề, tử nghiệp lắm.”- bác sĩ Dung chia sẻ.
MAI PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét