Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

NỖI ĐAU SAU CHIẾN TRANH VẪN DAI DẲNG

PhotobucketTháng 12 này cũng có ngày giỗ của Người Văn Khoa Nguyễn Tri Chính - nhà báo Trinh Chí ở Tuổi Hoa ngày xưa.
Người Văn Khoa mang về đây bài viết rất cảm động của anh Nguyễn Tuấn Kiệt để chúng ta cùng chia sẻ. 






Ngày 10.10 âm lịch giỗ Nguyễn Tri Chính. Biết năm nay chỉ cúng trong gia đình, chiều nay tôi đến thắp nhang. Mai, vợ Chính, đi đám cưới. Tôi nói chuyện với mẹ Chính hơn 1 giờ và hiểu thêm nhiều điều về bạn. Trở lại chuyện cũ 1 chút. Giữa năm 1973, sau gần 1 năm biệt giam tại xà lim Tổng nha cảnh sát, chính quyền SG chuyển tôi qua Chí Hòa, ở chung phòng giam svhs. Tôi gặp nhà thơ Triệu Từ Truyền (Triệu Công Tinh Trung) 1 đồng chí lãnh đạo của cánh học sinh. Nhà thơ hỏi tôi có biết N.T.Chính không? Tất nhiên là tôi biết.
Sau ít lâu, T.T.Truyền thì thầm với tôi về Chính. Làm việc này, nhà thơ đã phá bỏ nguyên tắc tổ chức. Có lẽ anh ấy lo lắng cho đồng đội của mình. Thì ra Chính đã tham gia CM khi còn là học sinh và đã được kết nạp Đoàn. Tạp chí Tuổi Hoa mà anh cộng tác với bút danh Trinh Chí nổi tiếng đã có sự dẫn dắt của tổ chức. Anh Truyền bị bắt, Chính đứt liên lạc. Do đó khi vào học VK, Chính hòa nhập ngay với phong trào, họat động báo chí. Anh Truyền đặt thẳng vấn đề với tôi "nếu anh có cách liên lạc với Chính, cứ mạnh dạn giao việc". Tôi đảm bảo với anh về Chính. Lúc bấy giờ do chiêu hồi khai báo, chi bộ VK tan nát, cơ sở bị bắt, lộ bể gần hết, chỉ còn sót lại Cỏ May và Hoa Hạ (Hồng Diệp). Biết được 1 đồng chí đang chờ chắp nối, vượt nguyên tắc cũng phải làm thôi. Khi HD vào thăm nuôi, không thể cho biết hết mọi việc, tôi chỉ nói HD tìm cách liên lạc với Chính, cứ bàn công việc không có gì e ngại. Sau 30.4.75 tôi đã làm tròn trách nhiệm khi xác nhận việc Chính đã tham gia hoạt động tại VK để bổ sung lý lịch kết nạp Đảng.
Hôm nay nghe mẹ kể chuyện tôi hiểu con đường Chính đã chọn là tất yếu. 
Mẹ kể về 9 năm hoạt động phụ nữ xã ở quê hương Phú Yên. Đêm khuya đi vận động quần chúng có người hỏi chị sợ không. Mẹ trả lời mắc gì mà sợ. "Nói vậy chớ làm sao bác không sợ hả cháu, bác nói vậy cho chị em vững lòng"... 
Mẹ kể về giai đoạn ba Chính bị giam cầm, mẹ tìm cách bán quán nước gần nhà giam để thăm nuôi chồng và anh em tù nhân, đồng thời làm liên lạc cho tù nhân với tổ chức bên ngoài...
Mẹ kể sau 1954, Chính mới 3 tuổi, mẹ và chồng chuyển vùng về SG công tác... 
Mẹ kể năm 1977 ba Chính mất vì bịnh hậu do tra tấn của kẻ thù lúc bị giam cầm...
Mẹ đem bánh ít lá gai ra cho tôi ăn. Mẹ nói bánh ngoài quê gởi vô cúng thằng Chính đó cháu. Mẹ hỏi tôi bánh ngon không, tôi trả lời ngon lắm bác. Bánh quê mới có lá gai thật, mẹ bảo cháu ăn nữa đi.
Rồi mẹ ngần ngại, có chuyện này không biết cháu có giúp được gì không? Mẹ đem ra 2 bộ hồ sơ của mẹ và chồng đề nghị hưởng chính sách theo nghị định 290.
- Bác nộp hồ sơ từ năm 2007 tới giờ chưa giải quyết. Hồ sơ của bác duyệt rồi trên giấy tờ còn của ổng họ nói thiếu cái gì đó.
- Sao bác không hỏi để bổ túc hồ sơ?
- Tháng trước bác lên hỏi,họ nói người có trách nhiệm giải quyết đi công tác rồi. Một tháng nữa bác quay lại. Cậu trẻ trẻ tiếp bác nói bác chờ mấy năm rồi, ráng chờ thêm 1 tháng nữa!
   Ôi câu nói có lẽ định an ủi nhưng nghe ra vô cảm, bạc bẽo quá chừng. Tôi đọc hồ sơ, thương mẹ quá. Mẹ cho biết đã đi Hà Nội 3 lần để tìm người xác nhận, không kể việc tìm người ở SG, Phú Yên. Cũng may mẹ đã làm giấy tờ xác nhân này từ trước, khi làm hồ sơ huân chương kháng chiến. Chứ bây giờ mới làm chắc không còn ai để xác nhận! Mẹ cười buồn:
- Bác 90 tuổi rồi, không biết lúc được hưởng chính sách có còn sống không? Tiền bạc không đáng cháu à, không đủ để bác đi cyclo tìm người xác nhận. Nhưng cây có cội nước có nguồn. Bác muốn có chính sách để cháu chắt nó biết ông bà đã làm gì.
Tôi không dám hứa sẽ giúp gì cho mẹ, chỉ khuyên mẹ gặp lại như họ đã hẹn coi giải quyết như thế nào rồi tính. 
Tôi xin phép mẹ thắp nhang, nhìn di ảnh Chính mà thương mẹ tre già khóc măng. Lúc về mẹ ôm tôi vào lòng nói:
- Bác thấy cháu như thấy lại thằng Chính
PhotobucketMẹ đưa tôi gói bánh ít bảo tôi đem về cho vợ. Câu nói của mẹ cứ ám ảnh tôi mãi "Cây có cội nước có nguồn..." Bao nhiêu người đã hy sinh vì đất nước, chính sách chỉ là sự ghi nhận sự hy sinh cao cả ấy. Không ai hy sinh vì chính sách mai sau! Chiến tranh, dù chính nghĩa, luôn đi kèm nỗi đau mất mát. Sao nỗi đau ấy vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay? 
Mẹ ơi, chắc là con sẽ ăn bánh mẹ cho có vị mặn của nước mắt. Con sẽ thăm mẹ nhiều hơn để mẹ thấy lại con của mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét