Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện, Trung Quốc không che giấu lo ngại

Hillary Clinton chính thức thăm Miến Điện 30/11/2011 (DR)
Hillary Clinton chính thức thăm Miến Điện 30/11/2011 (DR)

Trọng Nghĩa  RFI

Trung Quốc sẽ không để cho quyền lợi của mình tại Miến Điện bị "chà đạp". Lời cảnh cáo trên đây của tờ Global Times, xuất bản tại Bắc Kinh vào hôm nay, 30/11/2011 nêu bật thái độ hậm hực của Trung Quốc trước việc đồng minh thiết thân của họ trong hàng chục năm qua lại hân hoan đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ.
Bà Hillary Clinton đã đến Miến Điện vào hôm nay trong một chuyến đi được đánh giá là lịch sử.

Trong bài viết của mình, Global Times, tờ báo trực thuộc Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc, nhưng theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cao độ, đã công nhận rằng Bắc Kinh không phản đối Miến Điện về việc tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây. Thế nhưng « Trung Quốc sẽ không chấp nhận điều này nếu lợi ích của mình bị chà đạp ». 
Nhắc lại một trong những sự kiện có thể được xem là vố đau mà Bắc Kinh vừa phải chịu đựng – việc Tổng thống Miến Điện Thein Sein đình hoãn một đề án thủy điện khổng lồ đang được Trung Quốc thi công – tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng quyết định đó đã « kéo theo những thiệt hại to lớn » cho tập đoàn Trung Quốc chịu trách nhiệm công trình này. 
Và tờ báo tố cáo “Sự cố đó khiến cho một số người phải suy nghĩ rằng Miến Điện đã tỏ thiện chí với phương Tây bất chấp thiệt hại cho quyền lợi của Trung Quốc.” Nhắm vào Miến Điện, tờ báo cảnh báo : “Ở giai đoạn hiện tại, Trung Quốc chưa có năng lực xuất khẩu giá trị của mình. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là các giá trị của Mỹ đang thống trị trong vùng.” Cho dù vậy, Hoàn Cầu Thời Báo cũng công nhận : “Dường như là các nước láng giềng của Trung Quốc dang càng lúc càng trở thành thân Mỹ”. 
Theo một bài bản đã thuần thục, chính quyền Trung Quốc để cho báo chí lớn tiếng công kích, trong lúc bộ Ngoại giao thì có lời lẽ hòa hoãn hơn. Trong buổi họp báo thường kỳ, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : “Chúng tôi tin rằng Miến Điện và các quốc gia Tây phương có liên quan cần phát triển các mối liên lạc và cải thiện quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.” 
Theo các nhà quan sát, tuyên bố kể trên không che giấu thái độ bực bội trước một loạt những động thái của tân chính quyền Miến Điện được cho nhằm thoát khỏi tầm khống chế quá nặng nề của Trung Quốc. Ngoài vấn đề đình hoãn đề án xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ đô la, Chính quyền của Tổng thống Thein Sein còn tìm cách tăng cường quan hệ với các nước như Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh quan trong của Trung Quốc, hay là đối với Việt Nam, một nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh tại Biển Đông. 
Trước ngày bà Clinton ghé thủ đô Naypyidaw, chính quyền Miến Điện đã phái tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội nước này qua Trung Quốc, và hai bên đã loan báo việc tăng cường hợp tác song phương. Tuy nhiên, giới phân tích đã ghi nhận rằng trước khi công du Trung Quốc, viên tướng này đã ghé thăm Việt Nam. 
Đây là một động thái khác thường vì lẽ trong nhiều thập kỷ qua, các vị tư lệnh quân đội Miến Điện, mỗi khi được bổ nhiệm, đều dành chuyến công du đầu tiên của mình cho Trung Quốc, đồng minh thân thiết và vững chắc nhất của tập đoàn quân sự. Thế nhưng lần này, tướng Min Aung Hlaing lại chọn Việt Nam, nước láng giềng ASEAN, đang trong chiều hướng thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Washington, và không che giấu thái độ chống lại tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc. 
Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, bà Suzanne DiMaggio, chủ nhiệm một nhóm nghiên cứu về chính sách đối với Miến Điện tại Hội nghiên cứu châu Á Asia Society, có trụ sở tại New York, nhận định rằng chuyến công du Miến Điện của bà Clinton đánh dấu nỗ lực mới nhất của Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á.
Trung Quốc lẽ dĩ nhiên không phải là không thấy rõ điều này.

HOA KỲ - MIÊN ĐIỆN - Bài đăng : Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 30 Tháng Mười Một 2011

Ngoại trưởng Mỹ công du Miến Điện để khuyến khích cải tổ

Ngoại trưởng Mỹ  Hillary Clinton (Reuters) tại sân bay Naypyidaw 30/11/2011 (REUTERS)
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Reuters) tại sân bay Naypyidaw 30/11/2011 (REUTERS)

Trọng Nghĩa   RFI

Vào chiều nay, 30/11/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đặt chân xuống Naypyidaw, thủ đô hành chính của Miến Điện, chuẩn bị cho một chuyến công du hiếm thấy. Đây là một chuyến thăm được đánh giá là lịch sử vì lẽ bà Clinton là ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ công du Miến Điện từ hơn nửa thế kỷ nay.
Mục tiêu được tuyên bố của chuyến đi là thúc đẩy “thay đổi" tại một trong những nước khép kín nhất thế giới.
Trước khi rời Hàn Quốc, nơi bà vừa ghé để tham dự một hội nghị về viện trợ quốc tế, Ngoại trưởng Clinton xác định rằng Hoa Kỳ và nhiều nước khác hy vọng là sự thay đổi vừa được nhen nhúm lên tại Miến Điện trong một năm nay, "sẽ bùng lên thành một phong trào sẽ phục vụ lợi ích của người dân". Trên cơ sở đó, bà Clinton cho biết là bà muốn trực tiếp xem xét ý định của chính phủ Miến Điện hiện nay về việc tiếp tục cải cách trên cả hai mặt chính trị và kinh tế.
Một cách cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ sẽ yêu cầu chính quyền Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị - mà số liệu được ước tính là từ 500 đến hơn 1.600 người . Bà cũng sẽ đề nghị Miến Điện nỗ lực nhiều hơn để chấm dứt các cuộc xung đột sắc tộc dai dẳng đã làm cho hàng ngàn người thiểu số phải tìm đường lánh nạn.
Về điều mà chính quyền Miến Điện đang hết sức mong đợi là việc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, các quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết là bà Clinton sẽ không loan báo việc đình chỉ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Miến Điện vì điều này cần phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo ngoại giao của Mỹ hiếm khi thực hiện những chuyến thăm cao cấp mà không chuẩn bị sẵn một số biện pháp khuyến khích nước mà họ ghé thăm.
Theo chương trình dự kiến, ngày mai, bà Clinton sẽ hội kiến với Tổng thống Miến Điện Thein Sein tại Naypyidaw, trước khi bay xuống Yangon để tiếp xúc với lãnh tụ phong trào đối lập dân chủ của Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi, mà tiếng nói rất được Washington lắng nghe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét