Tấm ảnh này đã được Đài truyền hình Hà Nội minh họa cho bản tin của Đài cho rằng có một số phần tử phản động tham gia biểu tình phản đối Trung; ảnh đưa minh họa cho bản tin khi chưa được những người trong ảnh cho phép...
Tại Điều 10, khoản 4 của Luật Báo chí quy định Những điều không được thông tin trên báo chí:
“ Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân…”
Cụ thể hóa điều luật này, khoản e Mục 2 điều 7 của Nghị định 02/2011/NĐ-CP đã quy định:” Đăng phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó…” sẽ bị xử phạt từ 3 tới 5 triệu đồng…
Căn cứ vào các quy định này, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Hà Nội phải bị xử phạt hành chính theo Nghị định 02 và phải đăng cải chính theo quy định tại Điều 9 của Luật Báo chí. Điều 9 Luật Báo chí quy định việc Cải chính trên báo chí như sau:
”1.Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó.
2.Tổ chức, cá nhân có quyền phát biểu bằng văn bản về những nội dung đề cập trên báo chí khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình. Cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân đối với thông tin đã được đăng, phát sóng trên báo chí của mình.
Lời phát biểu của tổ chức, cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả.
Kể từ khi nhận được lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn năm ngày đối với báo ngày, đài phát thanh, đài truyền hình, mười ngày đối với báo tuần, trong số ra gần nhất đối với tạp chí, cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng lời phát biểu đó.
3.Lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra theo quy định của Chính phủ.
4.Trong trường hợp cơ quan báo chí không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật này, không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án.”
Việc Tổng Giám đốc Đài truyền hình Hà Nội không chịu cải chính, xin lỗi một số công dân đã bị Đài sử dụng hình ảnh của họ minh họa cho một bản tin phê phán việc xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội; Đài sử dụng hình ảnh của một số công dân khi chưa được họ cho phép; hành vi này của TGĐ Đài truyền hình Hà Nội là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ, hành vi này vi phạm khoản 4 Điều 10 của Luật Báo chí; Việc Đài truyền hình Hà Nội đã không cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại về danh dự là vi phạm Điều 9 của Luật báo chí.
Như vậy, việc một số công dân, một số văn nghệ sĩ, trí thức khởi kiện Đài truyền hình Hà Nội là hoàn toàn có cơ pháp lý và được quyền khởi kiện ra Tòa theo quy định của khoản 4 Điều 9 Luật Báo chí...
Việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa không thụ lý Đơn là vi phạm Điều 9 của Luật Báo chí ./.
P.V.Đ.
Nguồn: Phạm Viết Đào-Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét