Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Chiều Mưa Biên Giới

Sông Lô

Gởi đến anh chi LamSơn719 & HạtSươngKhuya bằng tất cả sự trân trọng.

Tôi viết bài này thể theo yêu cầu của chị HạtSươngKhuya, người mà tôi quen biết trên một diễn đàn paltalk và chưa một lần gặp mặt. Cũng trên diễn đàn này, thỉnh thoảng tôi được nghe chị chia sẻ quan điểm chính trị cũng như thưởng thức giọng ca thánh thót của chị khi có phần văn nghệ chen vào. Tuy vậy, tên thật ngoài đời của chị thì tôi hoàn toàn mù tịt và tôi cũng không tò mò.

Nghe chị chia sẻ, được thưởng thức giọng ca của chị đã cho tôi cái cảm giác lạc quan chen chút ấn tượng hay hay mà mườn tượng ra rằng người có giọng ca hay ắt phải có nhan sắc. Tuy là giọng ca tài tử nhưng đã có sức cuốn hút lạ thường, ngay cả giọng nói của chị cũng không chịu kém.
Một chút gì đó nhẹ nhàng, một chút gì đó thân thiện nhưng thẳn thắng và tự tin, đây là nét đặc trưng trong phong cách của chị thì phải. Hơn thế, cái giọng nói ấy nó còn tựa như chất giọng của "người em gái hậu phương" Dạ Lan gởi đến “anh trai tiền tuyến” thủa nào trên đài Phát Thanh Quân Ðội ở thời chinh chiến xa xưa. Cái giọng của người em gái hậu phương Dạ Lan xa xăm ấy phải nói là không lẫn vào đâu được, nó chẳng những bộc lộ cái tình cảm thương mến ngọt ngào mà còn biểu thị những chăm chút âu lo cho từng đời lính trận mà hằng đêm từ 7 giờ đến 9 giờ tối, với chỉ vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ ngắn ngủi thế mà đã được hầu hết những người chiến sĩ VNCH trú đóng trên khắp bốn vùng chiến thuật thương yêu mong đợi, trong đó có tôi.

Riêng đối với chị HạtSươngKhuya, tôi vẫn thầm tiếc mỗi khi được thưởng thức giọng ca của chị, với chất giọng thánh thót, sắc nét và tròn trịa ấy nếu được đào tạo từ trường lớp theo quy chế chính quy thì cái chắc chị đã không còn là HạtSươngKhuya nhỏ bé khiêm nhường như cái nick name của chị mà đã trở thành Vì Sao Mai lừng lững trên vòm trời ca nhạc VN từ khuya rồi. Cũng cần nói thêm, chị Hạt Sương Khuya là phu nhân của anh LamSơn719, anh là một cựu sĩ quan của sư đoàn Nhảy Dù, một trong hai sư đoàn thiện chiến nhất của QLVNCH. Cũng như chị, thỉnh thoảng anh vào chương trình Paltalk đóng góp, nghĩ rằng, anh lấy nick name LamSơn719 chắc cũng có ngụ ý. LamSơn719 là tên của một chiến dịch do QLVNCH thực hiện mà đơn vị của anh được giao trọng trách làm nỗ lực chính được khởi động ngày 8 tháng 2 năm 1971 mà phải kết thúc nửa chừng vào ngày 24 tháng 3 năm 1971. Mục tiêu chính của chiến dịch này là làm sao phá tan cho được hệ thống hậu cần của bộ đội Việt Cộng tại Lào và cắt đứt đường mòn HCM tại thị trấn Xê Pôn nằm sâu trong núi rừng hiểm trở, cách biên giới Việt Lào 40 km về hướng Lào nhằm vô hiệu hóa mọi phương tiện tiếp tế của CS Miền Bắc cho các đơn vị của họ tại chiến trường Miền Nam.

Chiến dịch Lam Sơn 719 là một chiến dịch phải trả một giá rất đắt của QLVNCH, nó chỉ đạt được mục tiêu trong một thời gian ngắn ngủi rồi phải rút lui do các cuộc tấn công tới tấp của địch quân vào đội hình chính của mình. Nói về tổng thể đây là một cuộc hành quân đã không đạt được mục đích nếu không nói là bị thất bại mà nguyên nhân của nó là do tính chủ quan, một phần là dựa quá nhiều vào sự yểm trợ hỏa lực tưởng như dồi dào của mình mà xem thường phần yểm trợ hỏa lực của đối phương, một phần là do yếu kém về mặt tình báo cũng như bảo mật cùng với những mâu thuẩn trong hệ thống chỉ huy. Thiết nghĩ, anh dùng nick name LamSơn719 như để nhắc nhở đến một kỷ niệm đau đớn trong đời binh nghiệp của mình và của đơn vị mình chăng?

Trở lại với chị HạtSươngKhuya, số là sau khi trình bày nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trong một diễn đàn nọ, chị có yêu cầu tôi, nếu được hãy viết một bài về người nhạc sĩ tài hoa nhưng cũng lắm truân chuyên này. Chỉ vỏn vẹn lời yêu cầu này thôi, thế mà tôi đã "hơi bị" khó xử khi nghĩ đến cái tật làm biếng của mình. Hình như, ngay lúc đó, tôi đã ừ ừ hữ hữ cho qua chuyện với những mong rồi chị sẽ dần quên!
Cho mãi đến hôm nay, đã gần 2 tháng, có thể chị ấy đã thật tình quên nhưng người muốn chị ấy quên là tôi thì lại phải nhớ và cái nhớ của tôi cũng có lý do của nó. Số là mới đây tôi có nhận được một email nói về "Paris xuống đường", nói về cuộc biểu tình ngày 14-9-2011 tại Paris và kèm theo 1 cái link bao gồm hình ảnh cũng như bài viết tường trình ngày Paris xuống đường biểu tình chống lại âm mưu bành trướng bá quyền của TQ đối với Việt Nam mà tôi chắc là trong hàng lớp người biểu tình đó có sự hiện diện tích cực của anh chị  LamSơn719 & HạtSươngKhuya. Lại nữa, trong Email gởi cho tôi người gởi có phổ biến bài viết "Paris Xuống Đường" của chị HạtSươngKhuya đã cho tôi xác quyết điều này.

http://vongngayxanh.wordpress.com/2011/09/17/paris-xu%E1%BB%91ng-d%C6%B0%E1%BB%9Dng/
http://vongngayxanh.wordpress.com/category/ti%e1%ba%bfng-hat-h%e1%ba%a1t-s%c6%b0%c6%a1ng-khuya/

Những hình ảnh, những khẩu hiệu được trưng lên để nói rõ với thế giới rằng, cách đây 53 năm (14-9-1958) Phạm Văn Đồng, thủ tướng nước VNDCCH đã đặt bút ký công hàm công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc với mưu đồ tranh thủ sự ủng hộ của nước này trong cuộc chiến xâm lược miền nam VN của họ để cho đến nay phía TQ đã lợi dụng công hàm này như là 1 bằng chứng về chủ quyền biển đảo của họ. Báo chí, truyền thông cũng như trên các kênh truyền hình chính thống của TQ đã ra rả nhắc tới bản công hàm 1958 này và xem như Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận và tán thành tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý, đồng thời đã chỉ thị cho các cơ quan nhà nước của CSVN có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Thực hư việc này như thế nào nó còn dính đến những cuộc họp mật giữa họ với nhau và cái chắc là họ sẽ chẳng bao giờ hé lộ cho dân chúng biết.

Hình ảnh mà tôi đoán mò về anh chị trong đoàn người biểu tình cũng như sự tích cực đóng góp tiếng nói của chị hòa cùng dòng người xuống đường nêu cao tinh thần yêu nước của người con dân VN xa xứ khiến tôi vô cùng xúc động. Thế là tôi dẹp cái "sở tật" qua một bên, làm quân tử nhất ngôn, quyết trả cho xong món nợ văn nghệ này. Tôi xắn tay áo, ngồi vào bàn phím kì cạch gõ, lẽ dĩ nhiên, nói gì thì nói, sau cùng tôi cũng phải nói lời cảm ơn đến chị, vì nhờ vậy mà tôi có được bài viết này.   

 "Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”? Đây là đoạn kết trong nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Lời tán thán ẩn dụ này đã như vận vào đời của người sáng tác ra nó.... Với nhạc phẩm này tác giả tâm sự như sau:
     “Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt.
Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu...” 
  

Nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới là một nhạc phẩm hay, năm 1961 nhạc phẩm này đã được nghệ sĩ Trần Văn Trạch đem chuông đi đánh xứ người và đã được Ðài Truyền Hình Pháp, đài Europe số 1 thu âm, thu hình, gây tiếng vang ở Âu Châu. Sự kiện này dội ngược về trong nước khiến chỉ trong vòng vài tháng, giới yêu nhạc VN lúc bấy giờ đã nuốt trọn trên 60.000 ấn bản do nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam phát hành, phá kỷ lục số ấn bản lớn nhất kể từ trước đó cho đến thời điểm lúc bấy giờ.

Như con tuấn mã đang sung sức, thế mà nó còn được tăng lực bởi “Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam” do chính nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp nên sự hâm mộ của giới thưởng ngoạn trong và ngoài nước càng được nhân lên và lan rộng. Nỗi vui mừng về đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau với dáng vóc khôi ngô cùng niềm hãnh diện chưa bị nguôi ngoai thì bỗng đâu "mưa bay gió cuốn" ập đến với tác giả! Nó như cơn giông bất chợt đầu mùa ngoài biển khơi, gây cảm giác bất thường mà cũng đầy bất trắc cho người đi biển. Trong bài viết "Hình ảnh người lính khác, trong nhạc Nguyễn Văn Đông" của thi sĩ Du Tử Lê có cho biết như sau:

"Theo một bản tin được phổ biến trên trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì, sau khi hai ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” và “Mấy Dặm Sơn Khê” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông được bằng hữu trong giới, trân trọng giới thiệu với quần chúng, tác giả đã gặp nhiều khó khăn từ Bộ Thông Tin Saigòn... Cụ thể, năm 1961, bộ này đã ra quyết định cấm phổ biến hai ca khúc vừa kể với lý do: Nội dung “phản chiến!” Có thể đưa tới sự sa sút tinh thần của những người lính trấn đóng ở những vùng hẻo lánh, núi non, biên giới..."

Cũng có nghĩa là, sau khi lệnh cấm của Bộ Thông Tin được ban hành và được phổ biến trên trang nhất của nhiều tờ báo lúc bấy giờ, tác giả đã phải chấp hành lệnh phạt theo quân kỷ với lý do là đã không tuân hành huấn lệnh quy định, huấn lệnh ấy là: Bất cứ một quân nhân nào, khi sáng tác văn, thơ, nhạc đều phải trình qua giới chức có thẩm quyền của Bộ Quốc Phòng để được xét duyệt và cấp giấy phép trước khi cho phổ biến.
Vì không chấp hành đúng theo quy định này tác giả đã phải nhận 15 ngày phạt trọng cấm cũng như không được phép xuất hiện trong mọi sinh hoạt văn nghệ nơi công cộng dù rằng tác giả đang đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong quân đội. Sự kiện này đã tạo nên một loạt phản ứng từ phía quần chúng, những người mến mộ, họ đứng về phía tác giả, bênh vực những khát khao thầm kín về một đất nước thanh bình, về những cảm nhận mang tính nhân bản mà tác giả đã thầm gởi gấm trong nhạc phẩm của mình. Sự kiện này đã kéo theo hàng loạt những phản ứng buộc báo giới cũng phải nhập cuộc.

Cho mãi đến bây giờ, qua bao nhiêu lớp sóng phế hưng, bao nhiêu thăng trầm dâu bể với bao thay đổi về lối sống, nếp nghĩ, về cách cảm nhận nghệ thuật và ngay cả phong cách thưởng thức âm nhạc của quần chúng, ấy vậy, khi ngoảnh nhìn lại, người ta vẫn không thể nào phủ nhận được những giá trị nhân bản của những nhạc phẩm viết về lính của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, thậm chí ngay cả những người lính của phía đối nghịch cũng chấp nhận nó một cách tự nhiên để rồi nghêu ngao hát như hát cho chính mình, dù rằng chân dung của người lính VNCH đã được tác giả minh họa trong những nhạc phẩm ấy. Hãy nghe một anh Bộ Đội hiện đại mến mộ nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới gởi gấm tâm sự của mình. 

Theo tôi, chả có lý do gì mà cấm không cho phép người Việt mình hát, bộ đội mình hát ca khúc Chiều mưa biên giới cả. Cho dù là người lính Việt Nam cộng hoà hay người lính cộng sản cũng đều mang chung những tâm trạng như vậy cả thôi. Chiến tranh dưới con mắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nguyên là một người lính Việt Nam cộng hoà, vẫn không có gì là tốt đẹp cả.

Có lần tôi được nghe kể rằng người trình bày ca khúc Chiều mưa biên giới hay nhất là Trần Văn Trạch, tuy nhiên tìm được bản thu của ông này trên mạng giờ hơi khó nên tôi chỉ có những bản thu của Hà Thanh, Bảo Yến, Ngọc Huyền, Thanh Tuyền, Giao Linh, Mai Thiên Vân mà thôi. Trong số những con người này, không hiểu sao tôi thích nghe nhất là giọng Ngọc Huyền (ca sĩ cải lương ngày xưa ở SG), hát trong chương trình Asia 48 – 75 năm âm nhạc Việt Nam. Không biết cuộc sống sau khi sang Mỹ có gì vất vả khổ sở không mà trong chương trình ấy, Ngọc Huyền hát hai bài, bài còn lại là Dạ cổ hoài lang, đều rất tâm trạng, thậm chí còn khóc trên sân khấu.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh năm 1932 tại Sài Gòn nhưng cha mẹ ông gốc ở Tây Ninh. Thuở nhỏ, ông học nhạc với một thầy giáo nhạc người Pháp. Là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình miền Nam ông chẳng những hát mà còn sử dụng được nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandoline và guitare Hawaiienne. Trong sự nghiệp văn nghệ của mình, ở mỗi đoạn đường ông đi là một đóng góp tích cực cho khu vườn văn nghệ nghệ thuật nước nhà, ông đã trải qua biết bao nhiêu giai đoạn sinh hoạt văn nghệ nổi bật. Ở thập niên 50, ông đã từng là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân, một đoàn văn nghệ quy tụ một lực lượng ca nhạc sĩ tên tuổi lúc bấy giờ, ngoài ra ông cũng còn tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn cũng như khắp các tỉnh ở Miền Trung và Miền  Nam. Năm 1958, ông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài phát Thanh Sài Gòn, đến năm 1959 ông là trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc ở cấp quốc gia và đã quy tụ trên 40 đoàn văn nghệ đại diện cho cả miền Nam cùng tranh giải suốt 15 ngày đêm tại Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải âm nhạc quốc gia, một giải thường do bà Ngô Đình Nhu trao tặng. Ngoài ra ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng, với sự cộng tác bởi những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân... cho ra đời nhiều chương trình ca nhạc, các vở tuồng, cải lương. Chính ông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng do các ca sĩ đã thành danh lúc bấy giờ hợp tác như: Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu, Phương Dung, Giao Linh ... và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.

Ngoài bút danh quen thuộc Nguyễn Văn Đông, ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà, Đông Phương Tử. Với 2 bút danh Phượng Linh và Đông Phương Tử ông đã viết nhạc nền và làm  đạo diễn cho những tuồng cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 như: Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng v.v..

Những nhạc phẩm nổi tiếng về người lính VNCH đã được ông sáng tác như: Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Mấy dặm sơn khê, Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp, Lá thư người lính. Riêng "Chiều mưa biên giới" và "Mấy dặm sơn khê" cũng đã gây cho ông nhiều khó khăn như đã nói trên.
Nhạc sĩ cũng chính là người thầy, người đở đầu cho những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Tuyền, Giao Linh và Hà Thanh.

Về đường binh nghiệp của mình, ông đã trải qua những giai đoạn sau: Năm 1946 ông vào thụ huấn trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Năm 1950 ông được cử theo học khóa 4 trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu và tốt nghiệp thủ khoa với cấp bực thiếu úy năm 1952. Sau đó lần lượt ông theo học các khóa “Ðại Ðội Trưởng” tại Trường Võ Bị Ðà Lạt, khóa “Tiểu Ðoàn Trưởng” tại Trường Chiến Thuật Hà Nội. Năm 24 tuổi ông nắm chức vụ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Trọng Pháo 553, xem như ông là một tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của QLVNCH lúc bấy giờ.
Trải qua nhiều chức vụ, nhiều đơn vị và đồn trú ở nhiều địa bàn để rồi cuối cùng ông thuyên chuyển về Saigon, giữ những chức vụ khá quan trọng. Cấp bực cuối cùng trong Quân đội của ông là đại tá, chức vụ cuối cùng trong Quân Lực VNCH của ông là Trưởng khối lãnh thổ Bộ Tổng Tham Mưu. Ông cũng từng được trao tặng Bảo Quốc Huân Chương.

Khi biến cố Tháng Tư 1975 xảy ra, như hầu hết những sĩ quan QLVNCH khác, ông bị tù cải tạo. Năm 1985, sau gần 10 năm lao khổ ông được trả về với lý do bị bệnh sắp chết nên được thả ra cho gia đình đem về nhà chôn cất! Nghe nói, gia đình phải võng ông về. Về sự kiện này, ông có tâm sự: 

Khi trở về, tôi mang theo nhiều chứng bệnh trầm trọng, tinh thần và thể xác bị suy sụp. Chắc có lẽ, Trời Phật đã nhìn lại mình mà cho mình sống, dù là một đời sống lây lất, cho đến ngày hôm nay"
"Suốt 30 năm qua, tôi không tham gia bất cứ hoạt động nào ở trong nước cũng như ngoài nước. Tôi hy vọng rồi đây theo thời gian mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn nghệ, tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tị hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!"

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu ?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ

Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
Người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm

Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi


Nhạc viết về lính của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông như đời lính của ông mà nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới là một điển hình. Nó nói lên tâm trạng thật của đa số người lính tác chiến ngoài mặt trận, nó không cổ võ lòng thù hận cũng không mảy may tâng bốc hay ca tụng những giết chóc của súng đạn, nó chỉ khiêm nhường nói lên thân phận của người trai thời loạn là cầm súng bảo vệ cuộc sống thanh bình của người dân khi bị ai đó xâm phạm. Người lính của Nguyễn Văn Ðông là thế, nó bình thường, nó đúng nghĩa một người lính....


Hannover 19-9-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét