SGTT.VN - Chính phủ Lào từ chối các điều kiện “cho thợ Trung Quốc vào định cư luôn tại chỗ” do Bắc Kinh đưa ra về dự án xây một cây cầu trên tuyến đường cao tốc nối Lào và Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc. Xứ sở Triệu Voi đang nỗ lực để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, tăng cường tìm kiếm đầu tư từ Hàn Quốc và các nước khác.
Boten – đất Lào nhưng tràn ngập các bảng hiệu và tên đường viết bằng tiếng Hoa. Ảnh: Asia Sentinel |
Con đường không dẫn tới đâu
Giữa tháng 9.2011, con đường hai làn xe nối thành phố Nan (Thái Lan) với tỉnh Oudomxay (Tây Bắc Lào) được khánh thành. Đáng nói là con đường này không dẫn tới đâu cả. Vì chiếc cầu nối con đường này vào quốc lộ của Lào vẫn chưa được xây, do Lào và Trung Quốc vẫn chưa dàn xếp được bất đồng nêu trên.
Tại khu vực lẽ ra là một cây cầu bề thế do Trung Quốc đầu tư xây dựng, người ta chỉ thấy dòng sông vắng lặng và người dân địa phương đang lưới cá. Không thấy máy móc hay nhân công xây cầu.
Đổi lại dự án xây cầu trị giá 35 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi, tổng công ty Cầu đường Trung Quốc đã yêu cầu Lào cho định cư lao động Trung Quốc với số lượng lớn. Đề xuất này gây căng thẳng cho mối quan hệ Trung Quốc – Lào. Đó là chưa kể một điều kiện khác: Trung Quốc được phép xây dựng một khu casino ở Oudomxay nhắm đến du khách và cộng đồng người Hoa đến định cư tại đây.
Từ mấy năm nay, Lào chủ trương tự do hoá nền kinh tế, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đất và nguồn lao động, để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giao thương. Nhưng Lào cương quyết dừng cấp phép các dự án đầu tư casino vì quan ngại chúng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Không chỉ tắc ở dự án xây cầu, một dự án đường sắt cao tốc trị giá 7 tỉ USD nối Trung Quốc và các nước ASIAN cũng đang gặp trở ngại tại Boten – khu vực biên giới Lào – Trung Quốc.
Dự án này trắc trở vì làn sóng công nhân và hàng hoá Trung Quốc đổ bộ vào Boten, kéo theo một loạt vụ án mạng liên quan đến bài bạc. Sau đó, Chính phủ Lào đã phải lập tức đóng cửa một casino tại thị trấn biên giới.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của Chủ tịch Lào Choummaly Saygnasone, Trung Quốc đã trấn an rằng “các dự án đầu tư của Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào”. Nhưng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và gây hấn trên Biển Đông thời gian qua đã khiến Lào bắt đầu cảm thấy “căng thẳng dưới cái bóng của người khổng lồ”. Các nhà quan sát đánh giá việc Lào cương quyết tỏ rõ thái độ là một lời nhắc nhở Bắc Kinh về tham vọng địa chính trị của họ.
Trung Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ nhì tại Lào (sau Việt Nam), với số vốn đầu tư 2,71 tỉ USD trong 397 dự án tại Lào năm ngoái. Phần lớn đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực thuỷ điện và khai thác mỏ. 300.000 công nhân Trung Quốc hiện đang định cư tại Lào, là nguy cơ gây bất ổn xã hội cho nước này. |
Nghiêng về đầu tư của Hàn Quốc và các nước
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cho biết Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư, giao thương, cho vay và viện trợ không hoàn lại đối với Lào. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Lào trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp đến ngân hàng và thương mại. Xe Hàn Quốc đang trở nên phổ biến tại Lào.
Hàn Quốc đã giúp Lào mở cửa thị trường chứng khoán đầu tiên vào tháng 1.2011 với hai công ty niêm yết. Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc phối hợp với ngân hàng Trung ương Lào điều hành sàn giao dịch.
Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Lào (sau Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan), với tổng giá trị đầu tư 631 triệu USD từ năm 1995 – 2011. Kim ngạch song phương giữa Lào và Hàn Quốc đạt 132 triệu USD.
Chính phủ Lào đánh giá cao việc Hàn Quốc giúp phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ, tài chính ngân hàng, và phát triển kinh tế dựa trên cơ chế thị trường. Từ năm 1995, tổng giá trị viện trợ không hoàn lại từ Hàn Quốc sang Lào đã lên tới 48,3 triệu USD. Quan trọng hơn, với Viêng Chăn, đầu tư của Hàn Quốc cũng như Việt Nam hay Thái Lan không có mặt trái đáng lo ngại như Trung Quốc.
BÁ NHA (ASIA SENTINEL, ASIA NEWS NETWORK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét