Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

BỐN MƯƠI NĂM NGẬM NGÙI

Bốn mươi năm trước đây, vào khoảng lúc 9 giờ sáng ngày 2/11/1963, TT Ngô Đình Diệm đã bị bọn phản loạn thảm sát.  Cái chết thảm thương của một vị tổng thống đạo đức thánh thiện, hết lòng vì dân vì nước đã chấn động lương tâm nhân loại.  Cái chết của một vĩ nhân đã làm sửng sốt những người yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình thế giới.  TT Ngô Đình Diệm đã oai hùng hy sinh ngay chính cả mạng sống mình vì quyền lợi tổ quốc và danh dự dân tộc.  Cuộc đời của một lãnh tụ ngoại hạng đã kết thúc trong đau thương với lòng thương tiếc vô vàn của bao nhiêu người mến yêu và kính phục.  Bài báo này đến tay độc gỉa thì khắp nơi trên thế giới tự do chỗ nào có người Việt cư trú đều có những buổi lễ tưởng niệm vị anh hùng dân tộc một lòng tận tụy với dân với nước.  Vẫn có những người nghĩ rằng vì TT Diệm là tín hữu công giáo nên các nhà thờ công giáo tổ chức cầu nguyện cho linh hồn người đồng đạo.  Đó là một nhận định rất ngờ nghệch.  TT Nguyễn văn Thiệu cũng là một tín hữu công giáo nhưng có ai cho một lời nguyện cầu hay giọt nước mắt tiếc thương.  Anh linh TT Diệm đã ở lại với con dân nước Việt và vượt ra ngoài ranh giới tôn giáo và ngay cả thành lũy của chủ nghĩa.  Cụ Ưng Thị Mai, một Phật tử đã trên 80 tuổi, hiện sinh sống ở Đan Mạch, viết:  “tôi không phải là tín đồ thiên Chúa giáo và tôi cũng không chịu ơn Cụ Ngô Đình Diệm nhưng tôi rất thương Cụ Diệm, vì trong những năm Cụ Diệm cầm quyền, người dân Việt Nam an cư lạc nghiệp.  Tôi có lập bàn thờ Cụ Diệm.  Tuần rằm mùng một tôi cúng Phật cũng cúng Cụ Diệm.”
  Chị NTNH một tên tuổi rất quen thuộc với cộng đòng người Việt tỵ nạn CS, hiện đang thụ án tại một nhà tù ở tiểu bang Texas, viết:  “NH ước mơ có dịp làm chứng những điều mà TT Ngô Đình Diệm cho tôi.  Lúc trước trang bìa báo VNTP có đăng bức hình trên ngôi mộ TT Ngô Đình Diệm. NH dựng tờ báo trên bàn làm bàn thờ tạm trong tù để hằng đêm tôi chiêm ngưỡng cầu nguyện đến đấng anh tài mà tôi một lòng tôn kính mến thương.”
Cho đến ngày hôm nay vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về những giây phút cuối cùng của TT Diệm.  Tôi đã được hầu chuyện Cụ Cao Xuân Vỹ, vị cựu lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hòa là người duy nhất đã vào Dinh Gia Long để tìm cách đối phó với bọn phản loạn.  Tôi cũng đã nhiều lần được nói chuyện với cựu Đại tá tư lệnh phó lữ đoàn phòng vệ phủ tổng thống Nguyễn Hữu Duệ, người đã một lòng trung hiếu bảo vệ nền cộng hòa đến khi có lệnh buông súng đế tránh đổ máu, vì TT Diệm không muốn nhìn thấy cảnh anh em cùng chiến tuyến quay súng bắn giết lẫn nhau.
Theo Cụ Cao Xuân Vỹ thì vào buổi chiều tối ngày 1/11/1963, lúc pháo binh sư đoàn 5 được lệnh của Nguyễn văn Thiệu nã đạn vào thành cộng hòa và trụ sở bộ quốc phòng gần sát Dinh Gia Long thì chính Cụ Vỹ đã đề nghị TT Diệm nên dịch cư.  Cụ Vỹ nhấn mạnh dùng chữ dịch cư  là đi đến một chỗ an toàn tránh đạn đại bác và hoàn toàn không có nghĩa là chạy trốn.  TT Diệm cương quyết không đi khỏi Dinh Gia Long.  Tổng thống xác quyết Ông được dân bầu lên vào chức vụ lãnh đạo quốc gia và dinh Gia Long tượng trưng cho uy quyền quốc gia, với cương vị của một nguyên thủ Ông có nhiệm vụ và bổn phận phải giữ và bảo toàn uy quyền quốc gia trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Cụ Vỹ không thuyết phục được TT Diệm nên đi ra ngoài tòa Đô Chánh.  Trong lúc ở tòa Đô Chánh, Cụ Vỹ được điện thoại của Ông cố vấn Ngô Đình Nhu cho biết TT Diệm đã đổi ý và bằng lòng dịch cư.  Chắc chắn TT Diệm đã nghe lời Ông Nhu giải bày hơn thiệt nên mới chấp nhận quyết định lịch sử này.  Theo Cụ Vỹ thì Ông Nhu, một chính trị gia uyên bác, lập luận rằng “tất cả những cuộc đảo chánh sau 24 tiếng đồng hồ mà không đạt được mục đích thì tự nó sẽ rối loạn và thất bại.  Bọn phản loạn vào Dinh Gia Long mà không bắt được Ông tổng thống là sẽ tự đánh đá lẫn nhau rồi chạy trồn.”
Ngay sau khi được điện thoại của Ông Nhu, Cụ Vỹ vội trở vào Dinh Gia Long để sắp xếp.  Tại Dinh Gia Long, Cụ Vỹ điện thoại cho trung tá Phước là phó đô trưởng nội an yêu cầu mang một cái xe vào.  Chỉ độ mười phút sau, một sĩ quan mặc thưòng phục lái chiếc xe hai ngựa kiểu chở hàng vào sân trước dinh Gia Long và TT Diệm, Ông cố vấn Nhu, sĩ quan tùy viên Đỗ Thọ đã lên chiếc xe này đi khỏi dinh Gia Long.
Tôi đã đặt câu hỏi với Cụ Vỹ là tại sao lại mang một chiếc xe loại chở hàng, mà người Tàu ở Chợ Lớn thường dùng để chở lông vịt, chạy chậm và rất yếu để đưa đón tổng thống như vậy.  Cụ Vỹ nói, trung tá Phước nghĩ rằng chắc trong Dinh cần một cái xe để di chuyển chứ đâu biết lấy xe để đưa tổng thống đi khỏi dinh Gia Long.  Khi chiếc xe hai ngựa kiểu chở hàng đến thì Cụ Vỹ lại thấy thích hợp với hoàn cảnh vì kông ai có thể tin rằng tổng thống ngồi trên chiếc xe tồi tàn đó.  Cụ Vỹ cũng cho biết là cùng đi với chiếc xe chở tổng thống còn có hai xe cận vệ và một xe truyền tin.
Câu hỏi thứ hai tôi đặt ra với Cụ Cao Xuân Vỹ lý do gì lại đưa tổng thống đến nhà tổng bang trưởng Mã Tuyên?  Cụ Vỹ trả lời:  nhà ông Mã Tuyên ở trong Chợ Lớn, phố xá chằng chịt rất khó tìm.  Hơn nữa người Tàu rất kín đáo và trung tín.  Khi tiếng súng của bọn phản loạn vừa nổ tìm đâu cũng không ra một ông bộ trưởng hay là một người thân cận với tổng thống.  Cụ Vỹ nói thêm:  “mấy thằng tướng mà Ông Cụ coi như người nhà làm phản hết rồi, các ông bộ trưởng trốn như chuộc.  Vậy thì còn tin được ai nữa!”  Cụ Vỹ là người quyết định đưa tổng thống đến nhà ông Mã Tuyên ở Chợ Lớn.  Cụ Vỹ đã không di cùng với tổng thống đến nhà ông Mã Tuyên nhưng sau đó có đên để chắc chắn mọi việc được xếp đặt như dự liệu, thấy tổng thống và Ông cố vấn Nhu bình thản ngồi uống nước trà với tổng bang trưởng Mã Tuyên thì Cụ Vỹ yên tâm trở về tòa Đô Chánh.
Chuyện xảy ra sau đó thì độc gỉa đều đã biết là sáng ngày 2/11/1963, TT Diệm và Ông cố vấn Nhu rời nhà ông Mã Tuyên đến nhà thờ cha Tam dâng thánh lễ.  Bọn phản loạn cho xe đến “đón” và hai vị khai sáng và lãnh đạo nền Đệ Nhất Cộng Hòa VN đã bị tên Nguyễn văn Nhung và Dương hiếu Nghĩa trói quặt tay ra phía sau rồi thảm sát bằng dao găm và súng trong lòng chiếc xe bọc sắt M113.  Nhung đã tự tử hoặc bị thắt cổ chết khi Nguyễn Khánh chỉnh lý vào ngày 30/1/64.  Nghĩa hiện đang sống ở vùng Tri-Cities thuộc tiểu bang Washington.
Cuộc đời của TT Ngô Đình Diêm là một mẫu mực của đức tính liêm khiết, trong sạch và khó nghèo bên cạnh những khả năng vượt bật về hành chánh, chính trị, kinh tế và quân sự.  Học gỉa Vương Hồng Sển trong tác phẩm Hơn Nửa Đời Hư đã diễn tả cảnh sống khó nghèo của TT Diệm:  “mặc bộ đồ tussor may kiểu áo bốn nút cổ lỗ sĩ, đã trổ vàng vì qúa lâu năm, cổ vai đã xùi”.  Linh mục Đỗ Minh Tâm hiện giúp một xứ đạo Mỹ tại Saint Paul, MN kể lại: “lễ Chúa Giáng sinh năm 1958, TT Diệm dự lễ tại một khu dinh điền ở tỉnh Kiến Hòa.  Lễ xong thì TT và tôi ăn cơm nếp với thịt gà còn các binh sĩ ăn thịt con bò thui.  TT Diệm cởi giầy ngồi trên cỏ, tôi thấy Ngài mang một đội vớ rách.”
Tổng thống đã được sự nể trọng của các lãnh tụ trên thế giới không kể lằn ranh quốc cộng và lòng kính mến thương yêu của đồng bào.  Trong chuyến công du Hoa Kỳ vào năm 1958, TT Diệm đã được TT Eisenhower ra tận săn bay đón tiếp.  Đây là một vinh dự rất hiếm hoi mà một vị quốc khách đến Hoa Kỳ được trọng vọng như vậy.  Khi TT Diệm thăm thành phố New York thì dân Mỹ đứng hai bên lề đường vẫy tay chào đón, những người đứng trên lầu cao thả bông hoa giấp ngợp cả phố phường dưới cổng chào hình vòng cung mang hàng chữ “Welcome President Ngo Dinh Diem”.  Khi nghe tin TT Diệm bị thảm sát, trùm CS Mao Trạch Đông đã bày tỏ lòng chân thành ngưỡng mộ và thương tiếc.  ĐaÏo đức và uy thế của TT Diệm đã vượt qua ngay cả lằn ranh chủ nghĩa.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người dân miền Nam đã sống trong những điều kiện ổn định.  Chính quyền đã tạo những điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội phát triển trên mọi lãnh vực, tuy nhiên cũng có những hạn chế cần thiết vì đất nước đang phải đối đầu với hiểm họa CS.  Sau ngày TT Diệm bị thảm sát, người dân miền Nam đã phải chịu đựng những thống khổ của một cuộc chiến mà những người trực tiếp cầm súng đã không được dự phần vào những định đoạt trên mạng sống của chính họ bên cạnh những nghiệt ngã trầm luân của những vấn đề luân lý xã hội.  Bọn tay sai và cai thầu chiến tranh đã tiến hành và nuôi dưỡng cuộc chiến đến khi quyền lợi của chúng được thanh thỏa và cuối cùng là cả dân tộc VN bị chủ nghỉa CS dày xéo.  Bọn cai thầu chiến tranh ở Hoa Thịnh Đốn và bọn khố xanh khố đỏ tay sai ở Saigon đã không có được một tri thức cao hơn gót giầy của TT Ngô Đình Diệm.
Một độc gỉa của VNTP, bà Hoa Vũ ở tiểu bang New Jersey, người đã mang chân dung TT Diệm từ Mỹ về tận Lái Thiêu.  Bà Hoa đã đặt bức chân dung trên một TT Diệm chụp hình và sau đó phổ biến tới báo chí hải ngoại.  Bà Hoa đã viết thư cho cựu đại tá Nguyễn Hữu Duệ “…em không nhớ rõ là năm nào 1960 hay 1961, lúc đó em đang may ở tiệm Thanh Lịch gần chợ Bàn Cờ thì chợ bị cháy lớn.  Vài hôm sau thì Cụ có đi thăm chợ và đồng bào nạn nhân.  Cụ đi thẳng đến tiệm Thanh Lịch, lúc đó bà Phạm Bích Thuần  là chủ tiệm may qúa xúc động vừa khóc vừa nói:  kìa, Vua dến nhà mình, cô Hoa bao dạn ra chào Vua đi.  Khi tổng thống bước lên thềm nhà thì em ra đứng khoanh tay cúi đầu nói:  “con kính chào Tổng Thống.”  Người hỏi:  “cháy có sợ không?”   Thưa Tổng Thống con sợ lắm ạ.”  Người lại hỏi:  “may có khá không?”  Em trình:  “thưa tổng thống, khá lắm.”  Trong lúc đó thì bà chủ cứ khóc vì qúa xúc động được Vua tới thăm.  Cụ nói:  “ngoan hỷ.”  Rồi đi ra hướng đường Bàn Cờ.  Ôi!  Kể lại một chút kỷ niệm mà lòng em dâng lên một niềm thương nhớ Cụ vô cùng.  Thời gian ngắn sau đó em gia nhập Thanh Nữ Cộng Hòa.  Năm 1963 có cuộc triển lãm ở tòa Đô Chánh, em được đứng trong đội danh dự và đứng hàng đầu.  Khi tổng thống xuống xe thì có tiếng hô:  chị Hoa làm chuẩn.  Nghiêm.  Chào.  Cụ tiến đến gần em và nói: “Đứng nắng lắm hả?”  Ôi!  Chao ôi!  Nhớ thương vô cùng, Cụ ơi!
Phần mộ của TT Ngô Đình Diệm hiện ở quận Lái Thiêu, bên quốc lộ số 5, lối đi hướng về quận Hóa An (quận Dĩ An cũ).  Nơi đây đã và sẽ là một địa điểm lui tới của đồng bào trong nước và những người sống ở nước ngoài.  Rải rác từ hai phía từ quân Lái Thiêu đi ra và từ hướng quận Hóa An đi tới đã có những nhóm người sống bằng công việc chỉ dẫn đưa đường cho khách thập phương kính viếng mộ Ông Huynh Đệ chính là phần mộ TT Ngô Đình Diệm và Ông cố vấn Ngô Đình Nhu.  Nhà cầm quyền địa phương biết chuyện nhưng cũng không có hành động hay biện pháp nào ngăn cản vì họ thừa biết rằng những gì đi ngược lại với lòng dân sẽ tự nó gây ra những hậu qủa không thể nào lường trước được.  Chính tôi đã nghe một cán bộ làm to có đứa con bị bệnh ngặt nghèo.  Ông cán bộ này đã bế đứa con đến phần một TT Diệm để xin anh linh người đã chết vì dân vì nước phù hộ.
Cựu thẩm phán Nguyễn Kim Khánh, bút hiệu Phan Thiết viết trong “Đất Việt, Người Việt, Đạo Việt”:  “Trên cõi Hằng Sống, Ngài đã thấy rõ lòng dạ của những quân ăn cháo đá bát, bọn lừa thầy phản bạn.  Ngài cũng thấy rõ lòng dân mên mộ Ngài, dân đã đánh gía Ngài qua những lầm than và khốn khổ họ phải chịu kể từ ngày Ngài bị thảm sát.”  Và tôi xin được viết thế:  “xin Ngài phù hộ cho con dân nước Việt mà Ngài đã một đời tận tụy yêu thương chăm sóc được thực sự sống trong an bình, mọi người yeu thương giúp đỡ bao bọc lẫn nhau để cùng nhau nối tiếp thực hiện ước nguyện của Ngài đến ngày thành công.” 
 
Trương Phú Thứ
BỐN MƯƠI NĂM NGẬM NGÙI, VNTP # 670, 
từ ngày 16 đến ngày 30 tháng 11 năm 2003

1 nhận xét:

  1. đang lang thang trên mạng thì vào cái blog này đọc mây bài thì bức xúc quá nên dừng lại cái bài này viết mấy dòng cho bỏ tức! gì mà ngậm ngùi cái gì chứ, cái chính quyền thối nát, vô nhân đạo của bọn ngụy ngày trước thực chất là cái bóng của Mỹ chứ cái gì! thế mà hôm nay vẫn mọc đâu cái thằng chó nào vẫn ca cán "ngậm ngùi" cái bọn ngụy đó chứ, chắc nó là một trong số đấy đây mà!

    Trả lờiXóa