Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Dân bị đánh túi bụi “vì trả lời báo chí”

Đã sai còn trắng trợn đánh người
Khung cảnh ô nhiễm ở thôn Phan Bôi , Dị Sử, Mỹ Hào (Hưng Yên)
Trước đó, Nguoiduatin đăng bài viết “Sống cùng axit, dân đeo khẩu trang đi ngủ” phản ánh việc gia đình Nga – Hải (thôn Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) hàng ngày đập hàng tấn bình ắc quy hỏng, bình bột chì để lấy chì, còn lại nước axit, lá cách, nhựa thải… thì xả trực tiếp ra ao chung của cả xóm, gây ô nhiễm trầm trọng. Nguồn nước đen ngòm, ngập rác, mùi hôi thối nồng nặc, các hộ dân phải đóng cửa nhà 24/24h, người lớn, trẻ nhỏ đều phải đeo khẩu trang khi ngủ trong suốt 4 năm.
Theo phản ánh của nhiều người dân thôn Phan Bôi, sau khi bài báo trên được đăng, bà con vô cùng lo sợ khi nhận được những lời đe dọa của phía gia đình Nga – Hải rằng “sẽ xử từng người một” (tức những người đã trả lời phỏng vấn).

Tiếp đó, ngày 11/10/2011, bà Nga đã lớn tiếng xỉa xói, chửi bới người dân với thái độ hầm hố, hung dữ. Cùng ngày hôm đó, khi PV 1 đài truyền hình về quay tình trạng ô nhiễm ở Phan Bôi, dù việc làm của xưởng tái chế bình ắc quy gây ô nhiễm trầm trọng nhưng bà Nga vẫn lớn tiếng thanh minh, thậm chí nhảy vào trước mặt ống kính không cho quay.

Một người dân chỉ cho PV nguồn nước ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân, sau khi lớn tiếng với lời lẽ thiếu văn hóa như “chúng bay là 1 lũ ch..”, bà Nga cùng vài người họ hàng vô cớ túm tóc ghì một người dân xuống mặt đường để đánh. Khi người bị đánh phản kháng và tự vệ lại thì bà Nga bị rơi sợi dây chuyền đeo cổ, lập tức, 1 người họ hàng của bà Nga trắng trợn nói với Nga trước mặt đông đảo người dân và cả một vài phóng viên: “Mày ngu thế. Mày phải vu cho nó (người dân bị bà Nga đánh – PV) đánh mày cướp dây chuyền chứ…”.

“Xin đừng viết tiếp, sẽ có nhiều người bị hành hung…”

“Tôi xin các nhà báo đừng viết tiếp nữa, nếu không sẽ có nhiều người bị nhà nó (Nga – Hải) đánh” – một số người dân vô cùng lo lắng cho biết.
Phía trong xưởng tái chế bình ắc quy củ của gia đình Nga – Hải
PV Nguoiduatin thấy đắng lòng khi bà con thôn Phan Bôi không chỉ khổ sở chịu đựng cảnh ô nhiễm kinh hoàng suốt 4 năm, mà còn bị đe dọa, bị hành hung một cách trắng trợn.
“Tôi chưa thấy một gia đình nào đã sai mà vẫn chống chế và hung dữ như vậy. Lại còn vô cớ đánh người nữa” – người dân phản ánh.
Theo phản ánh của dân chúng, gia đình Nga – Hải cũng thuộc hàng “cớm” với đầy đủ “thế” và “lực”. Bà con Phan Bôi là những người “thấp cổ bé họng”, không có tiền cũng chẳng có thế lực, nên có “kêu cứu” 4 năm hay nhiều hơn thế mà vụ viêc chưa được giải quyết có phải là điều khó hiểu?
Trả lời PV, ông Nguyễn Kim Dậu, trưởng công an xã Dị Sử cho biết: Sau khi xảy ra sự việc xô xát giữa gia đình – Nga Hải và một số bà con thôn Phan Bôi, chúng tôi đã cử một phó công an xuống làm việc, tuy nhiên mức độ chưa nặng và người dân chưa gửi đơn tố giác nên xã chưa giải quyết.
“Xã cũng chưa hề nhận được thông tin người dân bị đe dọa, chúng tôi sẽ cử công an xác minh việc này”, ông Dậu nói.
Những đứa trẻ thật đáng thương không có chỗ chơi, bò ra những chỗ toàn là chất hóa học Axit
“Nghề tái chế phế liệu ở Phan Bôi cả làng làm chứ không riêng gì ai. Việc nhà Nga – Hải buôn bán, làm ăn nhiều năm tháng nay thì cũng phải để cho người ta có thời gian” – ông Dậu nói.
Không biết “thời gian” mà ông trưởng công an xã nói như trên là bao lâu? Hay chỉ đến khi chất độc hại từ axit, chì vẫn ngấm sâu xuống đất, nước, không khí… và gây ra những hậu quả nặng nề về môi trường và sức khỏe cho người dân thì mới đình chỉ sản xuất này?
Ở đây, người dân thôn Phan Bôi dù rất bức xúc trước hành động “tác oai tác quái” của gia đình Nga – Hải, nhưng không dám gửi đơn tố giác vì sợ bị trả thù theo kiểu xã hội đen.
Sau 4 năm mòn mỏi gửi đơn kiến nghị, điều bà con mong nhất là tình trạng ô nhiễm phần nào được giảm bớt, về lâu dài, con cái họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm axit và chất độc hại từ chì.  Nhưng, ô nhiễm thì ngày càng trầm trọng hơn, bà con Phan Bôi thì không còn dám… “lên tiếng”.
Lần đầu về Phan Bôi, những mong mỏi, hy vọng của bà con khi nói “cố đưa tin giúp dân Phan Bôi” làm chúng tôi vô cùng cảm động. Nhưng, lần này, những giọng nói gấp gáp, lo sợ, những cái chép miệng, thở dài của bà con khi không “dám” kiến nghị làm chúng tôi thấy xót xa quá. Liệu người dân Phan Bôi sẽ còn phải sống chung với ô nhiễm đến bao giờ? Khi nào thì họ không còn phải đeo khẩu trang đi ngủ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét