TOKYO 28-10 (NV) - Nhà cầm quyền Hà Nội đã quyết định cho một công ty Nhật Bản hợp đồng chế tạo và phóng vệ tinh quan sát cho Việt Nam.
Một vệ tinh của Nhật Bản. (Hình: Internet) |
Theo một bản tin của hãng tin tài chính Nikkei được thông tấn Reuters thuật lại hôm Thứ Sáu.
Công ty NEC Corp., dự trù sẽ chế tạo và phóng vào quĩ đạo cho Việt Nam vào năm 2017 và đồng thời còn được trông coi sản xuất một vệ tinh nữa dự trù phóng vào năm 2020, Nikkei cho hay.
Theo nguồn tin, các công ty của Nhật sẽ phụ trách hoàn toàn mọi mặt từ phát triển đến phóng hai vệ tinh quan sát trang bị radar cũng như xây dựng trung tâm kiểm soát dưới đất. Hợp đồng gồm cả huấn luyện nhân sự điều hành vệ tinh trên quĩ đạo và phân tích dữ kiện hàng ngày.
Hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản dự trù ký hợp đồng chính thức vào ngày Thứ Hai 31 tháng 10, 2011 khi ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, tới Nhật. Dự án vệ tinh này được Nhật Bản tài trợ mà phần đầu của dự án sẽ được giải ngân là $95 triệu USD sẽ được ký kết dịp này.
Cũng nhân dịp chuyến đi này của ông Dũng, Việt Nam với Nhật sẽ ký một hợp đồng liên doanh khai thác đất hiếm giữa công ty khai khoáng Lavreco của Việt Nam với hai tập đoàn Toyota Tsusho và Sojitz của Nhật.
Việt Nam đã phóng vệ tinh đầu tiên, vệ tinh viễn thông Vinasat-1, hồi giữa tháng 4 năm 2008, do công ty sản xuất và phóng vệ tinh của Mỹ Lockheed Martin Commercial Space Systems chế tạo, vốn đầu tư khoảng $300 triệu USD. Vệ tinh viễn thông Vinasat-2 cũng do công ty này sản xuất và phóng, ký được hợp đồng hồi tháng 5 năm 2010, dự trù đưa lên quĩ đạo vào khoảng tháng 5 năm 2012, tốn phí cũng khoảng trên $300 triệu USD.
Theo tin của TTXVN, hai vệ tinh quan sát sắp do NEC sản xuất sẽ bằng tiền Việt Nam vay $660 triệu USD từ chương trình tín dụng ODA của chính phủ Nhật. Lúc đầu, theo đài truyền hình NHK, chính phủ Nhật từ chối cho vay vì sợ các vệ tinh được dùng vào mục đích quân sự. Sau chính phủ Nhật đổi ý kiến và chấp thuận tài trợ khi thấy mục tiêu sử dụng vệ tinh là để phòng chống thiên tai bão lụt. Chụp hình và lập bản đồ Việt Nam chính xác là một mục tiêu khác của dự án.
Kỹ nghệ chế tạo và phóng vệ tinh của Nhật hiện bị coi là rất nhỏ so với các nước khác, nhất là Hoa Kỳ rồi đến Nga, Âu Châu. Nhật còn không hơn Trung Quốc bao nhiêu về số lượng dù Nhật đã phóng vệ tinh đầu tiên từ 40 năm trước.
Tổng cộng, Mỹ đã phóng lên quỹ đạo 1,931 vệ tinh. Nga phóng tới 3,294 vệ tinh. Châu Âu phóng 329 vệ tinh. Trung Quốc phóng 125 vệ tinh và Nhật phóng 141 vệ tinh.
Theo một bản phân tích của báo Mainichi hồi tháng 9 năm 2010, tháng 5 trước đó, bộ trưởng giao thông kiêm phát triển không gian của Nhật, Maehara Seji, đến Hà Nội vận động, giới thiệu và khuyến khích Việt Nam sử dụng công nghệ Nhật Bản gồm cả vệ tinh, điện hạt nhân và xe điện cao tốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét