Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Văn thư DCCT Hà Nội trả lời Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội

Ngay sau khi Nhà cầm quyền Hà Nội tỏ rõ thái độ quyết tâm chiếm đoạt vĩnh viễn tu viện của Nhà dòng (hiện nay Bệnh viện Đống Đa mượn tạm sử dụng), qua cái gọi là “Dự án trạm xử lý nước thải”, toàn thể các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà, cảm thấy uất nghẹn trước việc làm vi hiến này của nhà cầm quyền Hà Nội.
Một bảng chữ điện tử với nội dung: “Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà”, đã được lắp đặt trên tầng 7 của tu viện.
Việc làm này đã gây nhức nhối cho nhà cầm quyền Hà Nội. Liên tiếp những ngày qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã cử các đoàn cán bộ tới làm việc với giáo xứ và Nhà dòng về nội dung bảng chữ điện tử nói trên.
Trong biên bản do các cán bộ nhà nước đơn phương lập cho rằng: “Nhà thờ Thái Hà đã vi phạm điều 5 khoản 6 Pháp lệnh về quảng cáo”.
Ngày 27/10/2011 vừa qua, giáo xứ Thái Hà đã gửi Công văn tới Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch. Căn cứ trên các qui định của luật, nội dung Công văn khẳng định rõ, giáo xứ: “Không vi phạm Pháp lệnh quảng cáo”, cũng như “Không có hành vi tuyên truyền trái pháp luật” như Biên bản xử phạt hành chính đã nêu.
Nhưng năm qua, kể từ khi nổ ra vụ việc Tòa Khâm sứ – giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế – giáo xứ Thái Hà được nhà cầm quyền Hà Nội chú ý cách đặc biệt.
Cuộc đấu tranh cho công lý của giáo dân Thái Hà đã tạo được một tiếng vang trong cộng đồng tín hữu Công giáo nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Những buổi cầu nguyện cho dân oan, cho giáo dân Cồn Dầu, cho các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ… chắc hẳn đã gây nhức nhối cho một chế độ “chỉ biết còn đảng còn mình”.
Nhiều người nhận định, vụ việc nhà cầm quyền Hà Nội quyết tâm cải tạo Bệnh viện Đống Đa (vốn là Tu viện của Dòng) qua cái gọi là “Dự án trạm xử lý nước thải” không gì khác hơn là một phép thử giáo xứ sau những thay đổi nhân sự vừa qua, đồng thời nhà cầm quyền cũng muốn tỏ rõ bản lãnh của mình với một giáo xứ có bề dầy truyền thống đấu tranh, với mong ước dẹp bỏ những tiếng nói phản kháng?
Cũng có người thì cho rằng, chính quyền quận Đống Đa và Sở Y tế Hà Nội rất cần phải giải ngân số tiền 74 tỷ mà họ đã xin được từ ngân sách nhà nước, nhằm chia chác nhau số tiền khá lớn đã được chi duyệt cho việc nâng cấp bệnh viện Đống Đa?
Dù với bất cứ lý do gì, thì việc ngang nhiên, đơn phương tiến hành việc nâng cấp cải tạo bệnh viện bất chấp luật pháp và tiếng nói của chủ sử dụng hợp pháp là giáo xứ Thái Hà, là một việc làm thiếu khôn ngoan.
Chắc chắn, giáo dân Thái Hà sẽ không ngồi yên nhìn kẻ cướp tước đoạt tài sản của mình. Những ngày vừa qua, cả giáo xứ sôi sục, cuộc xuống đường ra quận nộp đơn, hay việc dựng bảng điện tử là minh chứng cụ thể cho thấy sự bức xúc này.
Nên chăng nhà nước và nhà thờ cần phải có những cuộc trao đổi dựa trên các cơ sở pháp lý, tốt nhất nên trả lại Tu viện cho nhà thờ để nhà thờ sử dụng cơ sở này đúng với mục đích ban đầu của nó. Đó là giả pháp tốt nhất trong thời điểm hiện nay, bởi nhà nước đã mượn cơ sở này, thì nay đã tới lúc nên trả lại cho chủ sử dụng hợp pháp là giáo xứ Thái Hà.
28/10/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét