Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm Nhật Bản trong bốn ngày, bắt đầu từ Chủ nhật ngày 30/10 theo lời mời của tân Thủ tướng Yoshihiko Noda.
Chuyến thăm này nhằm củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã khẳng định là ‘vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á’.
Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa đã nói với Đại tướng Thanh rằng Nhật sẽ nắm bắt mọi cơ hội để liên hệ chặt chẽ với Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch Phòng vệ của Nhật Bản.Đáng chú ý là chuyến thăm này của Thủ tướng Dũng chỉ diễn ra ba ngày sau khi phái đoàn quân sự Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, vốn bắt đầu từ hôm thứ Hai ngày 24/10.
“Nhật Bản rất mong mối quan hệ hợp tác và trao đổi quốc phòng giữa hai nước được thúc đẩy sang giai đoạn phát triển mới,” ông Ichikawa được dẫn lời nói.
Đối tác hàng đầu
Thời gian gần đây. Việt Nam và Nhật Bản liên tục có các chuyến thăm viếng cấp cao lẫn nhau.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng một năm sau chuyến thăm đến Việt Nam vào tháng 10/2010 của Thủ tướng Naoto Kan.
Hai nước hiện có một ủy ban điều phối hợp tác cao cấp do chính Bộ trưởng ngoại giao của hai nước đồng chủ trì.
Hiện tại Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội.
Nhật Bản đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch năm 2010 đạt 16 tỷ đôla.
Khác với giao thương của Việt Nam với một đối tác hàng đầu khác là Trung Quốc mà Việt Nam hiện đang nhập nhiều hơn xuất, thì Việt Nam lại đang hưởng lợi trong giao thương với Nhật Bản khi xuất siêu sang nước này.
Nhật Bản cũng đã và đang xây dựng những công trình có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, hầm Thủ Thiêm dưới lòng sông Sài Gòn và cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng.
Nhật Bản hiện đang đầu tư vào Việt Nam gần 22 tỷ đôla, đứng thứ tư trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, và cũng là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam với số tiền cam kết trong năm 2010 là 1,76 tỷ đô la.
Sau trận động đất gây sóng thần tàn phá đất nước vào tháng Ba năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Nhật Bản khẳng định không cắt giảm các cam kết ODA dành cho Việt Nam.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục Việt Nam.
Mỗi năm, hàng trăm tình nguyện viên người Nhật đã đến khắp các tỉnh thành của Việt Nam để tham gia vào các dự án giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Giữ gìn an ninh biển
Trao đổi với BBC, ông Kuriki Seichi, phóng viên của Đài truyền hình NHK vốn theo dõi thời sự Việt Nam, cho biết dư luận Nhật Bản đánh giá rằng Trung Quốc hiện đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình và ngày càng có thái độ cứng rắn hơn trong tranh chấp với các nước.
“Cho nên người dân Nhật cho rằng phải thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Asean,” ông nói.
Đối với Biển Đông, Nhật Bản muốn giữ thái độ trung lập, không đứng về phía nào trong tranh chấp, nhưng rất coi trọng an ninh hàng hải trong vùng biển này.
Do đó, quan hệ quân sự vốn hiện đang phát triển giữa hai nước sẽ tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là gìn giữ an ninh, hòa bình trên biển và đối phó với thiên tai, một lĩnh vực mà Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm.
Về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, ông Seichi cho biết Tokyo có cách tiếp khác với các nước phương Tây trong lĩnh vực này, và Nhật Bản đánh giá cao ổn định chính trị xã hội của Việt Nam.
Ổn định chính trị cũng là điều mà Hà Nội thường hay đưa ra như ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển.
Về quan hệ kinh tế-thương mại, mặc dù giao thương với Việt Nam không bằng giao thương với các nước Asean khác như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, nhưng Chính phủ Nhật vẫn đánh giá Việt Nam 'có tiềm năng lớn'.
“Nhật Bản muốn đầu tư vào tương lai của Việt Nam,” ông Seichi nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét