HÀ NỘI (TH) - Việt Nam tiếp nhận giàn hỏa tiễn phòng thủ biển thứ nhì K-300P Bastion mua từ Nga hồi tuần qua, hãng thông tấn Interfax cho hay như vậy hôm Thứ Ba.
Giàn hỏa tiễn phòng thủ lưu động Bastion K-300P với hỏa tiễn Yakhont do Nga chế tạo. (Hình: MilitaryPhoto.net) |
Giàn thứ nhất đã được giao cho Việt Nam từ giữa năm ngoái theo một hợp đồng đã ký mua từ năm 2005. Hai giàn hỏa tiễn này đặt trên giàn phóng từ xe di động.
Giàn hỏa tiễn phòng thủ biển Bastion mang hỏa tiễn siêu âm Yakhont bay nhanh gấp 2 lần rưỡi tốc độ âm thanh với 4 phiên bản khác nhau, có thể phóng đi từ giàn phóng để trên mặt đất, trang bị cho tàu biển, tàu ngầm và trên máy bay chiến đấu.
Hỏa tiễn Yakhont có tầm hoạt động tối đa 300 km, đầu đạn nặng 200kg.
Theo tổ chức thông tin quốc phòng Jane's, Việt Nam điều đình mua thêm một số giàn hỏa tiễn phòng thủ di động Bastion nữa và có thể được giao hàng từ năm 2014 nhưng không rõ số lượng và cũng không biết thuộc phiên bản nào.
Cuối tháng 9 vừa qua, Việt Nam thảo luận mua 4 hộ tống hạm lớp Sigma nhân dịp ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN đến Hòa Lan, tin tức được tiết lộ gần đây.
Khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi sang Ấn ngày 11 tháng 10, 2011, tin tức quốc tế tiết lộ rằng Việt Nam điều đình để mua giàn hỏa tiễn Brahmos của nước này sản xuất. Ðây là loại hỏa tiễn do Ấn và Nga hợp tác sản xuất cũng có tầm bắn xa 300 km nhưng với vận tốc nhanh nhanh hơn và mang đầu đạn nặng hơn (300kg)
Việt Nam cũng đã tiếp nhận tàu hộ tống hạm lớp Gepard 3-9 mua của Nga hồi tháng 8 vừa qua.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã nói rằng các giàn hỏa tiễn Bastion sẽ được bố trí ở miền Trung Việt Nam, ám chỉ phòng thủ khu vực biển đang tranh chấp với Trung Quốc và một số nước trong khu vực.
Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ di động K-300P Bastion gồm 4 xe. Hai xe mang giàn phóng (mỗi xe hai ống phóng) và hai xe điều khiển. Một xe cẩu để tiếp hỏa tiễn vào giàn phóng cùng các trang bị kỹ thuật yểm trợ kỹ thuật và chiến đấu.
Một trong những đặc điểm của loại giàn hỏa tiễn Bastion là có thể chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong vòng 5 phút.
Việt Nam tiếp nhận hai hộ tống hạm và hỏa tiễn phòng thủ trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Ðông căng thẳng, đặc biệt với Trung Quốc.
Hồi tháng 6, tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc cắt cáp dù hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước về Luật biển (UNCLOS). (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét