Trần Khải Thanh Thủy
Cho đến giờ phút này khi đã xa Việt Nam hàng nghìn km, xa hẳn những người dân oan gầy gò, tả tơi, rách rưới..., ở giữa nơi xứ người giàu có, tôi vẫn thường nhớ tới họ, nhớ gương mặt đau khổ, nhàu nhĩ đến cái dáng “tiên thiên bất túc” chân dài chân ngắn, bước thấp, bước cao của họ do cuộc sống cực nhọc đưa lại, sau biết bao nhiêu chấn động thê thảm ở đời... Nhớ từng chi tiết, việc làm cụ thể của họ, những lời họ trao đổi hoặc trêu chọc lẫn nhau, mỗi khi đi đến tòa án hoặc cổng nhà ông lớn về:
- Bà con ơi, chính quyền nhân dân là chính quyền trị dân.
- Tòa án nhân dân là Tòa xử nhân dân — một người tiếp trong phấn kích, uất nghẹn.
Sợ chưa đủ để mọi người hiểu, người nọ giải thích thêm:
- Vì chỉ xử nhân dân mà thôi, không xử cấp bộ trưởng nào đâu.
Còn Công an nhân dân là Công an nhăn răng dọa người dân, đặc biệt là dân oan Việt Nam, bớ bà con...
Những tiếng nói liên tiếp đuổi theo nhau:
- Quân đội nhân dân có nghĩa là Quân đội bỏ rơi nhân dân, mặc cho tàu cộng xâm lấn.
Ngôn ngữ quả là có tác động trực tiếp, như tiếng chim gọi đàn, hễ người này ngừng là người kia nói tiếp:
- Còn Uỷ ban nhân dân là Ủy ban trấn lột nhân dân.
- Đúng rồi, một người đàn ông vai hẹp, hông hẹp, ngực lép vì thiếu đói, quê tận Đồng Tháp, nơi “đểu nhất có tên bác Hồ”, bình...loạn tiếp:
- Không trấn lột được thì quay sang hành dân là chính...
Cứ mỗi lần, sau khi đến “xem” các phiên tòa xử các nhà dân chủ hoặc dân oan về, ngồi rãi thoải ở vườn hoa, họ lại trề miệng cong cớn đầy trào phúng:
- Ôi dào, trình độ, bản chất của cái gọi là “Tòa án tối cao nhân dân” tại Việt Nam là "càng trong bóng tối xử càng cao, càng ở mức cao xử càng tối" cho đến khi dân phải... nhăn răng ra mới thôi, như ông Cù Huy Hà Vũ, hay con bé Đỗ thị Minh Hạnh đới, 7 năm liền chứ ít à?
Lại một tiếng “ui dào” nữa:
- Ở Việt Nam mình nếu có xử tới xử lui, xử đi xử lại, sơ thẩm hay phúc thẩm thì các nhà dân chủ hay dân oan nhà ta cũng chỉ có một thứ tội duy nhất mà thôi, đó là tội "phá rừng" đúng không bà con?
Trong lúc cả tôi và mọi người ngơ ngác không hiểu thì người nọ chành miệng giải thích:
- Không đúng à, vì ở Việt Nam tòa án chỉ dùng " luật rừng" mà thôi.
Thế là tất cả cười tóa lên.
Đã thành cái lệ, hễ ai mím môi, mím miệng đầy căng thẳng viết cho được lá đơn của mình hoặc của người bên cạnh, là y như rằng có người nhận xét:
- Dào ôi chẳng qua là độc lập trong nô lệ, tự do trong ngục tù, hạnh phúc trong đàn áp, chứ có cái đ. gì mà phải viết “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập - tự do - hạnh phúc”?
Cứ thế, họ vừa lý luận vừa giải thích theo cách nhìn vô cùng độc đáo và chính xác của mình... Nhiều câu nói nôm na, mách qué của họ làm tôi giật mình, thán phục, đơn giản vì ngôn ngữ đâu có phải chỉ là cái vỏ vật chất của khái niệm. Bản thân nó chính là sự thông thái — nói chính xác hơn sự thông thái hòa tan trong ngôn ngữ — khiến nó có sức lay động thực sự. Đó cũng là lý do khiến tôi hay mò đến với bà con, dù không ít lần bị bọn chó ác (CA, định nghĩa mới về công an của người dân Việt Nam) rình rập, xin lệnh vây bắt, may được bà con cảnh giới mà không ít lần thoát hiểm.
Có thể nói, những số phận tả rơi rơi rụng ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, bởi ít nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, tôi đã từng trộn mình vào với dân, với nước, hoà vào trong cực nhọc của họ - những người dân oan mất đất, mất ruộng mất vườn ở quê - để hiểu nỗi đau cuộc đời họ, nghe tiếng cười của bọn trẻ con theo mẹ lang thang, nheo nhóc nơi vườn hoa Mai Xuân Thưởng, chìm vào điệu ru của những bà mẹ xanh xao nơi gốc cây, ghế đá trong những ngày dài chờ chồng rồi lặng lẽ cuốc sâu vào bản thể mình, để bật ra những giọt máu oan khiên cho họ... mong nhận về những tấm lòng của cộng đồng Hải ngoại từ 4 phương 8 hướng gom góp gửi về.... cũng chính vì không chịu viết trong khuôn phép đã quy định, lại buông thả theo những cảm xúc tự nhiên, bị mê hoặc bởi những khái niệm đẹp đẽ về tự do dân chủ, nhân quyền cho mình, cho dân, nên tôi đã trở thành nạn nhân oan uổng của chế độ độc tài cộng sản. Hàng chục lần bị bắt giữ ngang đường, với những lý do dựng ngược: buôn ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, có hành vi giết người... những lý do mà một chính thể đàng hoàng không thể nào áp dụng.
Và bây giờ nơi xứ sở phồn thịnh và giàu có của mảnh đất Hoa Kỳ, tôi lại nhớ về họ, nhớ gương mặt từng người nơi vườn hoa Mai Xuân Thưởng trong nhóm dân oan khiếu kiện trường niên, hay những nạn nhân tội nghiệp của đảng cộng sản, tại các xóm thôn hẻo lánh, nơi tôi tìm đến gặp họ để tường trình, viết bài.
Ngày tôi được trả tự do, suốt từ 3 giờ chiều, bọn “chó ác” vào trại để bắt cóc và áp giải tôi ra sân bay. Suốt 4, 5 tiếng đồng hồ trên con đường gập ghềnh sỏi đá, bụi mù vì khí thải công nghiệp, rồi chờ đợi tại sân bay đến tận 11 giờ 15 phút khi máy bay cất cánh, tôi không được ăn gì ( kể từ lúc 10 giờ sáng) mà chúng cứ nhắc đi nhắc lại như một con vẹt rằng: “Chúng tôi thả chị vì lý do nhân đạo, vì tương lai tốt đẹp của con gái chị và đặc biệt vì sức khỏe của chị...Bản chất của nhà nước Việt Nam vốn nhân đạo gấp triệu lần tư bản, nên tuy chị chưa thành khẩn nhận tội, còn chống đảng và nhà nước trong thời gian ở tù, nhưng chúng tôi vẫn “khoan hồng” để chị có điều kiện sang Mỹ chữa bệnh, để ba mẹ con chị được đoàn tụ v.v. và v.v. (lăng nhăng và lăng nhăng ).
Nghe lần đầu tôi còn cười trừ vì biết tỏng cộng sản vốn nổi tiếng về nói láo. Ngay từ ngày còn nhỏ, tôi đã nghe cộng sản tuyên truyền bắn rơi hàng nghìn máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đến mức báo chí Mỹ phản ánh: “Số máy bay Mỹ rơi trên bầu trời Hà Nội nhiều hơn số máy bay Mỹ sản xuất được trong vòng 40 năm” kia mà. Cộng sản Việt Nam là quán quân về mặt nói láo, và lũ chó ác lại là tay sai cho đảng cộng sản, thì chấp làm gì?
Nhưng đến lần thứ 5, thứ 10, chúng cứ nhai nhải như chó nhai giẻ rách thì tôi phát bực. Trong óc tôi hiện lên hình ảnh của bao người dân oan tội nghiệp mà xác thân là biểu hiện của những bất công, vô lý, tàn nhẫn ở đời. Tự nhiên lúc ấy tôi thèm được hét lên như họ. Hét như ông bà mình vẫn bảo: “Bi thì phải phẫn, phẫn thì phải phát, phát để mà động”, dù lời bất chấp các phát (biểu) của bà con, chính quyền cộng sản không hề động (đậy), nhưng tất cả từ dân oan, dân thường đi ngang chứng kiến đều cười ồ lên trước mũi công an:
- Nhân đạo cái đ.. gì, có mỗi cái nhân l… trong quần tao đây này, chúng mày có giỏi thì cướp nốt đi...ới đảng ơi là đảng ơi, đảng ăn phải bùa phải bả gì của mấy thằng doanh nghiệp mà nó sui cướp nhà, cướp đất của bà con cũng cướp để nó xây nhà máy bóc lột công nhân hở đảng ơi? Một cái làng nhỏ bằng cái hĩm trẻ con mà mọc lên 4, 5 nhà máy xi măng thì người dân sống làm sao được? Đảng thì ăn vàng, ăn bạc còn chúng tôi mất nhà mất ruộng, chỉ có bụi xi măng ăn quanh năm suốt tháng thôi...ới đảng ơi là đảng ơi...ời... Đảng cậy có quyền thì lấy nốt cái nhân này đi... đảng ơi. Người dân chúng tôi chỉ biết có nhân l… ở trong quần thôi, làm đ.. gì có nhân quyền, nhân đạo đảng ơi [1].
Vào Hỏa lò, phải nằm trong khu cấm cố kỷ luật, biệt giam, chỉ có hai người trong “cổ mộ”, xung quanh im ắng đến rợn người, tôi lại nghĩ về họ, về Lê thị Kim Thu – cây săn ảnh “chó ác” tại khắp nơi có dân oan tụ tập. 44 tuổi đời mà có tới 24 năm tuổi kiện, mải kiện đến mức quên cả việc lập gia đình. Nghĩa là vào nhà đá hai lần rồi mà vẫn chưa chịu về nhà... chồng, ra tù lần hai vẫn tiếp tục tình nguyện làm ‘dân oan xuyên thế kỷ’, từng tuyệt thực tại tạm giam Hỏa Lò 23 ngày trời đến mức cả đám bạn tù lẫn cán bộ quản giáo phát hãi, vì trông hình hài Thu khi đó không khác gì một bộ xương khô...trong mả(!) Tuần đầu còn tỉnh táo đối đầu với công an, trả lời đanh thép rõ ràng, mạch lạc từng câu của quản giáo, phản đối chế độ cộng sản bạo tàn bắt người vô tội. Tuần thứ hai, tuy mệt mỏi, phờ phạc, gầy yếu hơn, nhưng vẫn có thể mở miệng, máy môi nhờ bạn tù khiêng xuống khu vực nhà mét [2] tắm rửa, thay quần áo mỗi ngày. Từ ngày 20 của tuần thứ 3 trở đi, Thu rơi vào trạng thái tiền hôn mê, người gầy như que củi, hai xương chậu lõm xuống, có thể đổ đầy một bát nước ô tô, nằm thiêm thiếp, môi khô ráp, nứt nẻ, phồng rộp, mặt hốc hác, mắt lờ đờ, miệng không thể mấp máy, đầu không thể lắc hay gật được nữa...Sang ngày thứ 23, biết không thể khuất phục được người phụ nữ can đảm bất khuất, có một không hai này, lại sợ mang tiếng với thế giới vì sự đàn áp nhân quyền dã man, bắt người vô cớ, cán bộ quản giáo đành phải báo cáo với trưởng trại, để mở một cuộc họp cấp tốc, rồi mở cửa cho tù tự giác vào khiêng Thu xuống trạm xá
Vào phòng cấp cứu, Thu lập tức được các nhân viên y tế truyền nước biển, rồi cho người bón từng giọt cháo loãng cho đến khi...từ cõi chết trở về.
Ra tòa, Thu lĩnh 12 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng”. Sau khi kết án, quan tòa hỏi:
- Sau này ra tù có tiếp tục khiếu kiện nữa không?
Thu rành rẽ đáp:
- Có, chừng nào chưa đòi được đất, được nhà, được công lý cho bà con thì còn tiếp tục kiện cho đến khi sự thật được xác lập ở đời, tự do, dân chủ nhân quyền có mặt tại Việt Nam.
Câu trả lời của Thu khiến quan tòa đờ hàm, cứng họng, luật của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị chết, giãy lên đành đạch nhường chỗ cho luật rừng lên tiếng, Thu bị kết án thêm 6 tháng nữa, tổng cộng hình phạt là 18 tháng tù giam, rồi bị tống về trại giam Ninh Khánh, nơi khét tiếng vì kỷ luật, hình phạt, đến mức chiếc quần lót đang mặc trên người, có ghi số điện thoại và địa chỉ của bạn tù cũng bị chính tay 4 cán bộ quản giáo nữ lột mất, phải “tự do” đi về Hà Nội mới sắm được đồ lót và mặc ngay trước cặp mắt “trợn trừng trợn trạo” của bà chủ sạp quần áo.
Trần Ngọc Anh, dân oan Vũng Tàu, bị mất 5250m2 đất, cũng là một sự anh hùng không kém. Tuy chỉ được học hết lớp 2 vì nhà nghèo, con đông, gia đình bị ép lên vùng kinh tế mới, sau 20 năm khẩn khai được hơn 5000 m2 đất, thì bị cộng sản giở trò cướp trắng, thế là khăn áo gió đưa ra tận trung ương khiếu kiện. Thời kỳ đầu nhát sợ, chỉ ngồi túm tụm cùng những người mới đến. Sau đó, được sự chỉ bảo, dìu dắt của nhóm người đi trước, liền theo nhóm bà con khiếu kiện tại vườn hoa, vác đơn đến nhà các ông lớn, hoặc chặn xe chính phủ đưa đơn, gần hai năm trời vẫn chỉ là “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên cơm cháo gì”, bèn mặc đồ lót, đeo khẩu hiệu chéo qua người, viết nắn nót hàng chữ: “Người phụ nữ miền Nam kiên cường, bất khuất, chống giặc nội xâm, còn một chút “lòng khôn” cũng chống”... Chí khí ngất trời, đi đến đâu dân oan, dân thường kéo theo cả loạt. Người người đồng thanh hô “cũng chống”. Bất kể đàn ông hay đàn bà đều bưng miệng cười, vì biết tỏng hai chữ “lòng khôn” nói lái theo nghĩa dân gian là gì...
Đám công an thoạt đầu ngơ ngác không hiểu, sau thấy bà con cứ bịt mũi cười hoài liền hiểu ra cơ sự chết người... Hai chó ác lập tức xông vào giật khẩu hiệu, bị Ngọc Anh giở thế võ liên hoàn tung chưởng, gạt mạnh hai tay sang hai bên ngã sóng soài như một con nhái bén. Xấu hổ, cả đồn công an phường Điện Biên nhảy xô ra, tay dí dùi cui điện, chân đi giày đinh của ngành ra sức quật xuống đầu, xuống mặt, đạp vào chỗ hiểm, vừa đạp vừa quát:
- Này thì “lòng khôn” này, mày thích “lòng khôn” hả. Hôm nay chúng tao cho mày biết thế nào là lòng dại, “lòng khôn”.
Đòn thù qúa mạnh khiến cô ngất sỉu, được bà con nhanh chóng đưa vào bệnh viện Xanh Pôn (Saint Paul) cấp cứu. Vừa kịp tỉnh dậy trên giường bệnh lại nhào đến nhà “tưởng thú” Nguyễn Tấn Dũng, trên tay toòng ten một chai xăng... Lại bị đánh, bị bóp huyệt đến mức hai bắp tay nhão ra như cánh gà không bao giờ còn có thể đàn hồi, co rút trở lại như trước nữa. Ngay hôm đó, Ngọc Anh bị bắt. Ra tòa kết án 15 tháng, kiên quyết “chết vinh còn hơn sống nhục”, liền dùng dao cạo râu cứa cổ tay để tự tử. 11 giờ đêm, bạn tù xuống nhà mét đi vệ sinh, thấy Ngọc Anh ngồi, đầu dựa vào tường, hai bên cổ tay máu chảy ròng ròng, thất thần la lên: “ Có người tự tử”. Cả phòng, hầu hết đã chìm sâu vào giấc ngủ, liền lồm cồm bò dậy, ngơ ngác nhìn nhau, khi hiểu ra liền lập tức kêu to: “ Báo cáo cán bộ! Buồng M3 có người cấp cứu”.
Đưa xuống trạm xá, đích thân trưởng trại Đỗ Văn Hùng phải ngồi bên cạnh theo dõi, cảnh giới. Sợ uất kết chưa tan, Ngọc Anh tỉnh dậy lại giật đứt kim tiêm ra khỏi tay...
Sau này cùng vào trại 5, tôi có dịp gặp “người phụ nữ miền Nam kiên cường bất khuất” này và chứng kiến nhiều việc làm động trời của chị, kiên quyết không chụp ảnh, đặc biệt là khi phải đeo tấm biển ghi rõ tội danh cùng họ tên, án phạt trên người... Giằng co, trong thế gò lì căng thẳng suốt mấy tháng trời, đến mức trưởng trại phải ra lệnh bãi bỏ gần 1000 tấm ảnh đã chụp theo quy định bằng loạt ảnh mới, không biển hiệu, không đóng số, chỉ có gương mặt “nghền nghệt” của tù nhân trước ống kính.
Ngay cả quần áo tù trại phát, Ngọc Anh kiên quyết không cho đóng thêm hai chữ phạm nhân to tướng vào sau lưng. Nghiễm nhiên, cả tôi và Phạm Thanh Nghiên trở thành người đồng lõa, không cứ quần áo trại mà cả đống mớ quần áo gia đình gửi vào cũng kiên quyết không cho ghi tên, đánh dấu, khiến cán bộ quản giáo cũng như bạn tù phải lắc đầu e ngại, không dám “tự nhiên chủ nghĩa” như ban đầu nữa. “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, gặp phải người “cứng đầu cứng cổ”, cầm tinh con hổ như Ngọc Anh, không “sơn” nào dám ăn, “ma” nào dám bắt.
Vết thương ở phần kín bị chảy máu trong, gây sưng mủ nhiễm trùng, bao nhiêu lần đòi hỏi, đề đạt cán bộ y tế để được chữa trị mà họ - những động vật máu lạnh - một mực chối từ. Không thể khuất phục, Ngọc Anh một lần nữa phải dùng “thế mạnh” duy nhất của mình là tuyệt thực. Hy vọng nhờ bạn tù cấp báo ra ngoài, để được sự hậu thuẫn của dư luận quốc tế và bà con dân oan phía ngoài... 7 ngày trời, 14 lần cán bộ vác mặt đến hất hàm hỏi:
- Có ăn không?
Ngọc Anh kiên quyết trả lời:
- Không, nếu không được chữa trị kịp thời thì không ăn!
Ngày thứ 8, ban giám thị trại phải xuống nước, yêu cầu bác sĩ của trại phải kịp thời cứu chữa để khỏi mang “tai tiếng”. Trên đà thắng lợi, cả tôi và Nghiên liền động viên Ngọc Anh ăn trở lại... Vậy mà vừa bưng bát cháo lên thì cán bộ xộc tới, mặt lạnh tanh thông báo:
- Nếu chị muốn ăn trở lại, phải ký vào biên bản đã, ghi rõ là: “Tôi xin được ăn như cũ”... Tiền của nhà nước bỏ ra nuôi các chị cũng phải có lý do, không phải cứ tự tiện muốn ăn là ăn, muốn bỏ là bỏ.
Tưởng dùng dạ dày để trói nhân cách Ngọc Anh như bao nhiêu trường hợp tù thường phạm trước đó sẽ có kết quả theo ý muốn là hạ nhục người tù, bắt phải tuân thủ theo nội quy, mệnh lệnh, không ngờ đặt mạnh bát cháo xuống sàn, Ngọc Anh trả lời cộc lốc:
- Không ăn!
Thêm hai ngày nữa qua đi trong thế gò lì căng thẳng, cũng là thêm vài ký thịt của Ngọc Anh “đội nón” ra đi. Từ 76 ký trước khi bước chân vào trại Hỏa Lò, sau 12 tháng tù, còn vẻn vẹn 58 ký, gầy ốm tong teo, tụt huyết áp, đau đầu, chóng mặt, cuối cùng cán bộ phải nhượng bộ, nhắn với trưởng buồng:
- Thôi, nói chị ấy cứ ăn đi, không phải ký cót, biên bản, xác nhận gì hết!
Ngày về đã gần kề, từ trưởng trại đến quản giáo, chị em tù đều ra sức khuyên nhủ Ngọc Anh: “Bình tĩnh trở lại, giữ sức để chóng đoàn tụ cùng gia đình”... Đã tưởng bão tan, gió lặng, ai ngờ những cơn bão rớt lại ngấm ngầm trở lại, tạo thành cơn bão lớn hơn...
Giữa lúc tôi đang ngồi khâu lại vết rách trên đôi dép nhựa dưới chân, bỗng nghe những tiếng động “bốp bốp” và tiếng khóc nghẹn uất ức vang lên từ đầu dãy nhà trước:
- Các người dám đối xử với tôi thế hả, bộ các người tưởng tôi không còn là con người sao?
Giọng nói ấy, khí tiết ấy rõ ràng của Ngọc Anh, tôi vội vàng bỏ dép, đi chân đất, chạy thục mạng về phía có tiếng khóc, tiếng kêu...
Vừa tới chân cầu thang, cũng là lúc Ngọc Anh được mọi người dìu xuống, trông bộ dạng tiều tụy của Ngọc Anh, mắt dại đi, răng bập vào môi tái nhợt, mặt trắng bệch, tóc tai xổ tung...Đoán ra moi sự, tôi gào lên:
- Các người là một lũ ăn thịt người, các người đối xử với người ta tàn ác thế à?
Cán bộ tên Chại mặt lạnh tanh, quay lưng bỏ đi, nhóm phạm nhân chuyên ôm chân cán bộ, để được xét giảm, vớt vát:
- Không phải lỗi cán bộ đâu chị ạ, do chị Ngọc Anh mất bình tĩnh qúa thôi!
Máu dồn lên mặt phừng phừng, tôi uất ức hét lên:
- Mất bình tĩnh à? Các người mở to mắt ra mà nhìn đi, nước mắt đâu phải là nước lã? Các người cậy quyền cậy thế, ép con người ta đến nước này à?
Câu nói của tôi mang theo sức mạnh hủy diệt, lập tức cả chục cái miệng cùng im bặt.
Cơn cuồng nộ đã lên đến đỉnh điểm và không có dấu hiệu dừng lại, trong lúc tôi mải cãi nhau với bọn chó ác và lũ liếm chân chó, Ngọc Anh nhoài ra khỏi vòng tay lỏng lẻo của tôi lao thẳng đầu vào tường, ngay cổng trại
Đau xót, sững sờ, tê tái, tôi lặng đi mấy giây rồi như chợt hiểu ra nỗi nguy hiểm cận kề, liền lao vào bằng tất cả sức lực và sự cố gắng của mình, cùng mọi người kéo Ngọc Anh về phía trạm y tế.
Hòn than đã tự cháy hết mình, Ngọc Anh rũ ra như một cây cải úa, gục đầu xuống hai đầu gối trong trạng thái đờ đẫn, sắp ngất, miệng liên tiếp há ra để vừa thở, vừa đớp đớp không khí. Máu rỉ ra từ vết thương bết lấy tóc, trán sưng u lên như quả ổi, không kể 4,5 cú đập trước đó ở đỉnh đầu, sau gáy, mang tai…
Nhà tù, nơi tích tụ những điều bất như ý, những rủi ro, những bi kịch không cách giải thoát, những tủi hổ đớn đau, những hẩm hiu của số kiếp. Từ một người mẹ nhân hậu có 4 con thơ, bị cướp đất, rồi bị đánh, bị bắt, bị đối xử tàn tệ bất công trong tù, rồi triền miên ốm đau trong cảnh đói ăn, thiếu thuốc... Đã thế lá thư gia đình gửi vào kèm với số bánh kẹo, đồ ăn lại còn bị kiểm duyệt mất trắng. Kẻ này đổ lỗi cho người kia, không những không có lời giải thích thỏa đáng lại còn cao giọng kết tội:
- Chị bị điên à, chúng tôi giữ thư của chị làm gì?
Một lời nói một đọi máu, càng cố thanh minh càng bị dồn ép, lên án, Ngọc Anh đã mất khả năng tự hiệu chỉnh mình, thay vào đó là cơn cuồng nộ điều hành, cơn tự ái kích động ngút trời...
Trong chế độ cộng sản Việt Nam, một chế độ vô cùng dốt nát và suy đồi, chuyện về dân oan còn là chuyện dài nhiều tập, tiếc là bài viết đã qúa dài, đành tạm dừng tại đây.
Sacramento 9-2011
Trần Khải Thanh Thủy
Trần Khải Thanh Thủy
— -
[1] Thôn Bồng Lạng xã Thanh Nghị huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. một thôn vẻn vẹn 1 km2 mà có 4 nhà máy xi măng, và 1 nhà máy chế biến thức ăn cho gia cầm, gia súc.
[2] Nhà mét: khu vệ sinh công cộng, tức hố xí 2 ngăn và 1 phuy nhựa nước để dội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét