Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Chính sách xâm lược toàn diện của Trung cộng và công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và chủ quyền Việt Nam

Phần trình bày của kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, UVTU Việt Tân

Audio buổi hội luận - xin vào đây để nghe hay có thể tải về máy (download)
Về đề tài Buổi Hội Luận ngày hôm nay 8/10 “ Chính sách xâm lược toàn diện của Trung Quốc và công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và chủ quyền VN “, tôi xin mạn phép được trình bày phần đầu về Chính sách xâm lược toàn diện của TQ, phần thứ hai sẽ do ch Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng trình bày. 
Kính thưa quý anh chị và các bạn, Trung Quốc là đề tài nổi cộm trong những năm tháng gần đây. Đã có rất nhiều học giả uyên thâm ngoại quốc (Hoa Kỳ, Liên Âu, Nhật Bản, …) và Việt Nam trong và ngoài nước viết các bài bình luận, nghiên cứu về tình hình kinh tế, chính trị, quân sự Trung Quốc, tương quan của Trung Quốc với các quốc gia khác với rất nhiều ý kiến qúy báu, nhiều nhận định xác đáng về mối hiểm họa rất đa dạng Trung Quốc đối với nền hòa bình và sự phát triển chung của thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia lân bang Trung Quốc, trong đó có Việt Nam chúng ta. Do đó, phạm vi trình bày của tôi không nằm trong diện nghiên cứu mà dựa trên các dữ kiện đã có sẵn để tổng hợp và đưa ra nhận định của một người đấu tranh, quan tâm và tha thiết đến tiền đồ dân tộc trước hiểm họa Bắc Thuộc lần thứ 5 và sự sống còn của dân tộc.
Các vấn đề liên quan đến thời sự  và những thái độ Trung Quốc, đối với thế giới luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người vì một số lý do chính có thể liệt kê ra sau đây :
1)     Thứ Nhất nền văn minh Trung Quốc là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, với rất nhiều điểm đặc sắc, đặc thù về văn hóa kỹ thuật, nôi của tư tưởng Khổng Mạnh
2)     Thứ hai Trung Quốc có một dân số đông nhất thế giới (~1,4 tỷ người), có rất nhiều tiềm năng và hiện nay Trung Quốc đang vươn lên nhanh chóng về mặt kinh tế và quân sự để trở thành đứng thứ nhì thế giới, đang là công xưởng của thế giới, để có thể cạnh tranh với siêu cường Hoa Kỳ trong một tương lai gần.
3)     Thứ ba, để duy trì mức phát triển kinh tế rất cao khoảng 10%, Trung Quốc phải luôn mở rộng giao thương, gia tăng đầu tư (60 tỷ MK năm 2010) đi tìm những thị trường mới, những nguồn nguyên liệu bên ngoài, bảo vệ các tuyến đường hàng hải vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu, nhất là về dầu hoả. Đặc biệt là tuyến đường đi qua biển Đông.
4)     Thứ tư, Trung Quốc là một hiện tượng hiếm có, vì đang trở thành một cường quốc về kinh tế dưới một chế độ độc tài luôn sẵn sàng trù dập mọi chống dối lại quyền lãnh đạo của đảng CS.
5)     Thứ năm, chủ trương bá quyền của Trung Quốc dùng mọi áp lực kinh tế, văn hóa, chính trị, ngay cả bằng quân sự nhằm áp lực các quốc gia khác (tại Phi Châu, Châu Mỹ La Tin, Liên Âu, …) nhượng bộ các yêu sách nhiều khi hoàn toàn phi lý của họ dể chiếm doạt tài nguyên, chủ quyền, khống chế các quốc gia này, trong đó có VN.
6)     Thứ sáu và sau cùng liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc luôn có những quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam, vì đã không đồng hóa được dân VN dù đã chiếm đóng 5 lần trong khoảng 1 ngàn năm, dù nền văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc và vì VN đã chống trả và chiến thắng một cách oai hùng 3 lần xâm lăng của quân Mông Cổ, trong lúc nhà Tống thua trận và Trung Quốc bị Mông Cổ chiếm đóng và cai trị dưới nhà Nguyên trong thế kỷ thứ 13, trong gần 100 năm. Và vì Đảng CS Trung Quốc là chỗ dựa tinh thần về đường lối chỉ đạo, hậu thuẫn về phương tiện đối với đảng CSVN.
Thưa quý anh chị và các bạn
Vấn đề bá quyền đã có từ rất lâu trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc  hơn 4000 năm, qua các nhà Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Các bộ tộc đều muốn xưng hùng một cõi, cần phải tiêu diệt đối thủ, để một mình ngự trị. Nếu cộng tất cả nạn nhân các cuộc chiên tranh dưới các triều đại Trung Quốc, số nạn nhân có lẽ lên đến hơn trăm triệu, vượt xa tổng số nạn nhân 2 cuộc Thế Chiến thứ nhất và thứ hai cộng lại. Chỉ cần duyệt sơ qua lịch sửTrung Quốc, chúng ta có thể thấy rõ tinh thần bộ tộc hiện rõ nét hơn là tinh thần quốc gia theo định nghĩa quốc tế ngày nay vì thái độ “Không Đội Trời Chung, Chu Di Tam Tộc“. Tinh thần bộ tộc, bè phái gia dình trị còn được thể hiện rõ hơn ngày nay qua lề lối cai trị của chế độ CS. Trung Quốc là một đại lục rộng lớn gần 10 triệu cây số vuông với rất nhiều sắc tộc khác nhau, luôn kình chống, sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau, kể cả những vùng mà Trung Quốc chiếm đóng gần đây hơn bằng sức mạnh quân sự như Tây Tạng. Do đó, các vị hoàng đế Trung Quốc từ thời quân chủ cho tới thời Trung Hoa Dân Quốc và từ năm 1949 với đảng CS Trung Quốc, luôn quan niệm là phải có một chính quyền trung ương rất mạnh, độc tài sắt máu thì mới có thể bảo vệ được quyền lực và thống nhất được sơn hà.  Trong lịch sử VN chúng ta có  1 lần Nam Băc triều (1527-1788) kéo dài 250 năm, trong lúc tại Trung Quốc, ngoài các thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tam Quốc, chúng ta thấy có đến 5 lần Nam Bắc Triều hay Đông Tây triều. Theo sự suy luận của một số chuyên viên ngoại quốc, việc Trung Quốc luôn đòi hỏi các chủ quyền tại Đài Loan và một số vùng lãnh thuộc khác thuộc chủ quyền Ấn Độ, hay đảo thuộc chủ quyền Nhật Bản là vì muôn ngăn chặn khuynh hướng ly khai, đòi tự trị của các tỉnh giàu có ven duyên hải như Phúc Kiến, Quảng Đông, có nghĩa là nhằm vào nhu cầu nội bộ nhiều hơn là đối với bên ngoài.
Từ ngàn xưa Xã hội Trung Quốc luôn là một xã hội thể hiện hình ảnh của bạo lực và tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi một cách sắt máu. Tư tưởng Khổng Tử, Lão tử, Nho giáo  Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín được lan truyền ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng hầu như chỉ áp dụng cho từng thời kỳ ngắn và không còn thịnh hành ngay nay tại Trung Quốc khi người ta quan sát cung cách sống, cư xử với nhau. Số nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa lên đến hàng triệu, số nạn nhân của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc vào thế kỷ thứ 19, dưới thời nhà Thanh đã lên đến 20, 30 triệu người, đó là chưa kể đến hàng trăm cuộc chiến bạo tàn trong suốt các triều đại Trung Quốc. Có thể nói với những số nạn nhân như vậy, chúng ta chưa thấy cho các cuộc chiến dù kéo dài nhiều năm tại Tây Phương, các cuộc chiến chinh phục của Đế Quốc La Mã, đế quốc Ottoman (hồi giáo), các cuộc thánh chiến, … lại lên đến những con số lớn lao như vậy. Lịch sử các triều đại Trung Quốc là một chuỗi dài chiến tranh ngự trị sắt máu của một vị vua, hoàng đế.
Vấn đề độc tài để giữ quyền lực cộng với ý niệm thiên tử và thiên mệnh và thái độ coi rẻ các dân tộc chung quanh khác là man di mọi rợ  đã khiến cho các triều đại Trung Quốc luôn tìm cách chinh phục bằng bạo lực các dân tộc khác ngay cả cho đến các thập niên gần đây. Tuy cách thức có thể khác đi nhưng tinh thần chinh phục, chiếm đoạt vẫn luôn hiện hữu trong các chủ trương của Trung Quốc.
Và điểm đặc biệt trong cuộc Nam tiến qua lịch sử, Trung Quốc đã luôn luôn gặp sự đối kháng mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam và thất bại trong ý đồ chiếm đóng và đồng hóa. Nếu không có sự đối kháng và tinh thần tự chủ mãnh liệt này, chắc chắn, bán đảo Đông Dương đã bị đồng hóa thành một tỉnh của Trung Quốc từ lâu rồi và Trung Quốc có thêm được 750.000 cây số vuông và 110 triệu dân (91 triệu người VN, 6,5 triệu người Lào, 14,7 triệu người Cam Bốt)
Chính sách bá quyền hiện nay của Trung Quốc
Sau khi đã thành công trong việc trở thành công xưởng khổng lồ chế biến hàng hóa, vật liệu thông dụng của cả thế giới kể từ năm 1975 qua chính sách Tứ Hiện Đại Hoá (nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật, quốc phòng) của Đặng Tiểu Bình, qua việc đưa ra yếu tố nhân công rẻ, siêng năng, cần cù, môi trường kinh tế ổn định và thị trường tiêu thụ to lớn lên đến cả tỷ người, có được một khối lượng dữ trữ ngoại tệ nhờ xuất cảng lên đến 3 ngàn tỷ MK, Trung Quốc bắt đầu để lột rõ bản chất bá quyền xâm lược kề từ đầu thế kỷ thứ 21, không còn dấu nanh vuốt và ý dồ bá quyền qua lời dặn của Đặng Tiểu Bình và càng ngày càng trở nên ngạo mạn, kiêu căng, bất chấp công luận và công pháp quốc tế (UNCLOS Công Ước Quốc Tế về Biển), điển hình qua các đòi hỏi chủ quyền phi lý qua đường 9 gạch hay đường lưỡi bò, tại một số quần đảo trong Hoàng Hải, thuộc chủ quyền Nhật Bản, và ngang nhiên chiếm đóng và tự công nhận chủ quyền trên 2 quần đảo thuộc VN là Hoàng Sa và Trường Sa (uy hiếp cả biển Đông).  Trong tương quan sức mạnh hiện nay, Trung Quốc vẫn biết sức mạnh hiện ay của họ chỉ bằng một phần tư hay một phần 5 khả năng quân sự của Hoa Kỳ và chưa thể có khả năng đối chọi với xác xuất thắng lợi trong một khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm nữa. Do đó tìm cách bành trướng qua việc xử dụng mọi áp lực có được để làm suy yếu, lũng đoạn về kinh tế, chính trị, mua chuộc, đe dọa, sử dụng tay sai bản xứ và ngay cả không chối bỏ việc xử dụng biện pháp quân sự. Trong lúc tìm cách mua chuộc, đánh cắp các kỹ thuật tiền tiến tây phương qua các cuộc tấn công điện tử tinh vi mới đây nhằm vào các hãng kỹ thuật quốc phòng của Hoa Kỳ và Tây Phương, nhằm bắt kịp sự thua kém kỹ thuật của họ. Hiện nay, với đà phát triển kinh tế, hấp thụ kỹ thuật tiền tiến về vi tính, kỹ thuật nano, hàng không và không gian do Trung Quốc tiến hành có quy mô và tổ chức, nếu Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ không có những biện pháp đối phó hữu hiệu, tân trang khả năng kỹ thuật, quân sự để duy trì khoảng cách vượt trội, chắc chắn kể từ 10 năm tới trở đi, Trung Quốc sẽ sẵn sàng đối đầu ngay cả với Hoa Kỳ nhằm đạt đến các yêu sách của họ.
Tuy nhiên nội tình Trung Quốc đang để lộ rõ ra rất nhiều chỉ dấu bất ổn trầm trọng có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ CS Trung Quốc như tại Liên Xô vào năm 1991. 1) Tình trạng phát triển quá chênh lệch giữa các tỉnh vùng duyên hải với mức phát triển rất cao (bằng 1/2 mức sống trung bình Liên Âu, hay bằng 1/4 mức sống Hoa Kỳ) Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô, với khoảng 400 triệu dân (30% dân số), trong lúc các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam các khu tự trị Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng sống rất khó khăn,  chật vật và chỉ bằng 1/5 mức sống tại các tỉnh duyên hải, 2) Tình trạng bất công, trù dập xảy ra trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội, làm cho sự bất mãn của quần chúng càng gia tăng với hơn 300.000 biến động một năm, đe dọa quyền lực hệ thống đảng ủy địa phương, 3) Vấn đề tìm mọi cách ngay cả phản kinh tế để duy trì mức phát triển ở mức 9-10%, (lạm phát gia tăng, bùng nổ các dòi hỏi giả tạo), bất chấp các vấn đề to lớn tạo ra cho môi sinh, các nguyên tắc an toàn cho nguời tiêu thụ, 4) Và quan trọng hơn cả tình trạng vô trách nhiệm ở mọi cấp từ trên xuống dưới, không có sự tin tưởng tối thiểu để có thể sống hài hòa và phát triển trong một xã hội bình thường. Không có sự tin tưởng, trách nhiệm này thì không có sự liên đới, sự liên kết xã hội, phát triển vẫn tiếp tục được nhưng trong hỗn loạn,  giải quyết mọi tranh chấp bằng bạo lực cho tới lúc sụp đổ. Hiện nay tại rất nhiều nơi bên Trung Quốc, một số hình thức xã hội song song dã nẩy nở, ngoài sự kềm toả của guồng máy cầm quyền địa phương
Đối với Việt Nam, cục xương rất khó nuốt của Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử nhằm chiếm đoạt một khối dân khá lớn (VN có 91 triệu dân hiện nay), và một vị trí chiến lược nhằm mở rộng hoàn toàn tầm kiểm soát của Trung Quốc về phiá Nam tới tận Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương, eo biển Malacca và khống chế hoàn toàn được biển Đông, Trung Quốc đã và đang kiên trì tiến hành một chính sách thôn tình từng bước ngay từ những năm đầu thành lập của đảng CSVN. Những ảnh hưởng họ có trong toàn bộ guồng máy cầm quyền tại VN không phải xây dựng trong vài năm mà đã từ 30, 40 chục năm nay và càng hiện rõ nét với các cuộc hải chiến tại Hoàng Sa vào năm 1974, năm 1988, các cuộc tiến chiếm một số đảo tại Trường Sa, mặt khác  chính thức hoá các vùng chiếm đóng qua 2 Hiệp định về biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ vào cuối năm 1999 và 2000. Hiện nay Trung Quốc đang tiến hành việc thôn tính Việt Nam qua những lãnh vực sau đây :
-       khống chế, mua chuộc, gài bẫy  lãnh đạo đảng CSVN qua các triều Tổng Bí Thư kể từ Hồ Chí Minh (Công Hàm Phạm Văn Đồng 1958), Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng), mua chuộc các thành phần trung tầng, thuộc các bộ phận công an
-       tận dụng chỗ dựa tình thần về đường lối nhằm ảnh hưỏng lên chính sách
-       Xâm nhập bằng văn hóa, kiểm soát truyền thông, phim ảnh, sách truyện, sửa đổi lịch sử, địa lý
-       Lũng đoạn về kinh tế, qua việc tuôn hàng lậu phía biên giới phía Bắc, độc chiếm các vụ đấu thầu liên quan đến các công trình về hạ tầng lớn, mua đứt các hãng lớn tại VN
-       Hiện diện công khai tại chỗ với hàng chục ngàn công nhân và gia dình qua vụ khai thác boxite trên Cao Nguyên, để khống chế các vùng chiến lược tại VN, hàng trăm ngàn người khác rải rác tại nhiều tình thành.
Trước các phản ứng chiếu lệ, rất yếu ớt, luồn cúi hay hoàn toàn không có trước thái độ anh cả, và các hành động bắn giết ngư phủ, vi phạm chủ quyền tại các vùng biển trong thềm lục địa thuộc chủ quyền VN của Trung Quốc, ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, cho thấy là Trung Quốc đã thành công khoảng 70, 80% trong việc khống chế VN qua tay sai CSVN. Và hiện nay VN không còn độc lập theo đúng nghĩa nữa, vì những yếu tố vừa trình bày. Vì khi một quốc gia khác có khả năng hiện diện một cách tự do tại một nước trong mọi hoàn cảnh, có thể dùng sức mạnh quân sự hay kinh tế để khống chế hay làm thay đổi chính sách một nước, có nghĩa là đã không chế được quốc gia đó, thì quốc gia đó không còn có độc lập nữa.
Trước khi vào phần kết luận câu hỏi được đặt ra là liệu sẽ có chiến tranh hay không trong bối cảnh hiện nay. dựa vào những điểm phân tích qua sự suy nghĩa của tôi, Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh quân đội để đạt mục tiêu, nhưng nếu đã có sẵn giải pháp ít tốn kém hơn là qua tay sai CSVN, thì họ sẽ ưu tiên dùng giải pháp này.Còn về vấn đề Biển Đông có mang tính chất quốc tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục gặm nhâm từ từ, loại tằm ăn dâu, tìm cách phân tán các áp lực, đàm thoại riêng, và né tránh một cuộc đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ cho tới khi nào họ cảm thấy đủ mạnh.
Để kết luận, dân tộc VN chúng ta đã kiên cường giữ vững được sự tự chủ và chủ quyền dân tộc trong suốt 5000 năm lịch sử, dù đã phải chịu 1000 năm bắc thuộc và sống bên cạnh một Trung Quốc lớn gấp hơn 10 lần chúng ta và có truyền thống bá quyền. Không có lý do gì mà ngày nay chúng ta không đủ can đảm để tiếp tục bảo vệ chủ quyền đất nước trong một thời đại thông tin mở rộng, với hơn 3,5 triệu người VN sống tại hải ngoại với rất nhiều phương tiện về vận dộng dư luận, chính giới, tài chánh, dân tộc Việt Nam có nhiều phương tiện để có thể bảo vệ chủ quyền so với thời cha ông chúng ta. Phần hai làm thế nào dề đấu tranh cho tự do dân và bảo vệ chủ quyền sẽ do ch Đỗ Hoàng Điềm trình bày. Xin cám ơn sự lắng nghe của các anh chị và các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét