Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Đồng Nai: dân bức xúc vì bị thu phí oan

SGTT.VN - Nâng cấp chỉ khoảng 18km đường trên quốc lộ 20, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng, nhưng công ty 7/5 đã lập hai trạm để thu phí trong tám năm. Điều đáng nói, một trong hai trạm thu phí đó lại đặt tại Đồng Nai, cách địa phận tỉnh Lâm Đồng gần 30km.
Một trong hai trạm thu phí cho dự án nâng cấp quốc lộ 20, đoạn qua Lâm Đồng được đặt tại Đồng Nai gây bức xúc cho chủ xe và chính quyền huyện Tân Phú.
Ông Ngô Sỹ Bảng, chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai) bức xúc: “Nếu dự án được thực hiện ở Lâm Đồng phải thu phí xe lưu thông ở Lâm Đồng, cớ sao phải thu phí ở Đồng Nai?” Theo ông Bảng, việc đặt trạm thu phí ở huyện Định Quán là tận thu toàn bộ số lượng phương tiện xuất phát ở huyện Tân Phú đi về hướng Dầu Giây, Biên Hoà… (vì huyện Tân Phú giáp ranh tỉnh Lâm Đồng). Trong khi đó, số phương tiện này hoàn toàn không sử dụng gì đến phần đường mà họ nâng cấp, đầu tư.
“Rất nhiều người dân thắc mắc tại sao thu phí nhưng đường quốc lộ 20 (qua huyện Tân Phú) hư hỏng nặng lại không sửa chữa…? Chúng tôi cũng chẳng biết phải nói sao với người dân vì dự án một nơi nhưng thu phí một nẻo. Kiến nghị ngưng việc thu phí lên các cấp hoặc phải đầu tư sửa chữa đường nhưng chẳng thấy họ quan tâm gì”, ông Bảng nói.
Theo số liệu thống kê riêng của huyện Tân Phú, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt ôtô qua lại trạm thu phí. Gần một nửa trong số đó xuất phát từ huyện Tân Phú hướng đi Biên Hoà, Dầu Giây… hay ngược lại (số phương tiện này không dính đến dự án BOT nêu trên) nhưng phải bị thu oan. “Nếu tính tất cả đầu phương tiện cộng lại, mỗi năm huyện Tân Phú phải đóng oan khoảng vài tỉ đồng cho trạm thu phí đặt sai vị trí trên. Trong khi huyện Tân Phú là huyện nghèo, người dân khó khăn về kinh tế. Trước đây, trạm này thu phí cả xe máy nhưng vì dân phản ứng nhiều quá nên thôi”, ông Bảng cho biết.
Được biết, quốc lộ 20 dài 230km, được Khu quản lý đường bộ 7 phân cấp cho công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ 78 quản lý qua tỉnh Lâm Đồng, công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 79 quản lý đoạn qua tỉnh Đồng Nai.
Năm 2009, cục Đường bộ tổ chức khởi công dự án nâng cấp quốc lộ 20 đoạn qua Lâm Đồng. Mang tiếng “nâng cấp” nhưng chủ yếu là “chắp vá” rải rác các đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), đèo Phú Hiệp (huyện Di Linh), đèo Bảo Lộc và thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai). Tổng chiều dài của dự án chỉ khoảng 18km nhưng vốn đầu tư được thông báo đến 280 tỉ đồng. Dự án do công ty 7/5 (thuộc bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, được thu phí trong vòng tám năm.
Ông Phạm Quang Thành, phó giám đốc công ty 78 cho biết, toàn bộ dự án là nâng cấp mặt đường cũ của quốc lộ 20, không phải giải phóng mặt bằng. Còn theo ghi nhận thực tế của phóng viên, những đoạn đường được đầu tư nâng cấp chủ yếu chỉ được trải một lớp nhựa mới so với mặt đường cũ. Nhiều đoạn trong phạm vi đường được nâng cấp đã bị hư hỏng khá nặng (trừ đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa), mặt đường bong tróc, hàng loạt ổ voi, ổ gà xuất hiện. Đoạn hư hỏng nặng nhất là thị trấn Madagui và đèo Phú Hiệp.
Dù vậy, chủ đầu vẫn được phép đặt hai trạm thu phí để hoàn tiền cho dự án trên. Một trạm đặt tại xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) và một trạm tại huyện Định Quán (Đồng Nai). Cả hai trạm thu phí này đều thu cả hai chiều lưu thông và mức thu tương đương với nhiều dự án BOT khác.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty 78 cũng không lý giải được vì sao công ty 7/5 có được “đặc quyền” trên và cho rằng, “đó là việc của cấp trên khi phê duyệt dự án”. Trả lời các câu hỏi của chúng tôi vì sao có những vô lý trên, Khu quản lý đường bộ 7 (qua bản fax) cũng cho rằng: “Chúng tôi không có thẩm quyền quyết định”.
Như vậy, những nhà xe ở huyện Tân Phú, Đồng Nai mãi chịu cảnh đóng phí oan?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai trạm thu phí này được thành lập từ năm 1999 do Khu 7 quản lý để thu phí cho dự án nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 20, nhưng từ khi có dự án nâng cấp 18km đường như đã nói trên, cả hai trạm này được chuyển cho công ty 7/5 thu phí để hoàn vốn.
BÀI VÀ ẢNH: TỪ AN
LS Nguyễn Thanh Lương (đoàn Luật sư Bến Tre): Có thể khởi kiện
Điều 2 pháp lệnh Phí và lệ phí định nghĩa: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”. Tức là, chỉ người sử dụng dịch vụ mới phải trả tiền. Theo đó, phí đường bộ thuộc điều chỉnh của pháp lệnh này. Nếu quốc lộ 20 chỉ nâng cấp khoảng 18km đường ở đoạn qua tỉnh Lâm Đồng, nhưng lại lập trạm để thu phí đặt tại Đồng Nai, cách địa phận tỉnh Lâm Đồng gần 30km, theo tôi có ít nhất hai điểm bất hợp lý. Thứ nhất, những phương tiện lưu thông không qua đoạn nâng cấp, như: xe tải chỉ đi đến cuối huyện Tân Phú hay rẽ sang tỉnh Bình Thuận hoặc ngược lại... vẫn mất tiền là thu phí sai đối tượng (không sử dụng dịch vụ vẫn trả tiền). Thứ hai, dự án chỉ nâng cấp cải tạo khoảng 18km nhưng lập đến hai trạm thu phí và thu hai lần phí (phí chồng phí) là trái nguyên tắc thu – sử dụng một lần nhưng trả phí hai lần. Việc thu phí bất hợp lý này phát sinh hậu quả: xe trốn trạm, phá hỏng đường nhánh vì quá tải đường.
Tuy nhiên, đây là quốc lộ, thuộc quyền quản lý của Trung ương nên huyện Tân Phú có thể đề nghị UBND hay HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ liên quan như, Giao thông vận tải, Tài chính gỡ bỏ điều bất hợp lý trên.
Đứng ở góc độ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – là người sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng – trước việc bị thu phí sai quy định như trên, các tài xế, chủ xe có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội liên quan đến bảo về quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện ra toà đòi chấm dứt hành vi thu phí và trả lại khoản lạm thu. Các tổ chức này hoàn toàn có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.
DK GHI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét